Xin giới thiệu một bài viết mới 25/8 của GS Nguyễn Văn Tuấn.
Trong tiếng Việt, hình như Bắc
kì bị hiểu là hàm ý tiêu cực hay nhạo báng (?), còn Nam kì và Trung
kì thì chẳng thấy ai phàn nàn! Hôm nay, đọc bài “Tính chính trị của ngôn ngữ” của Nhà phê bình văn học Nguyễn
Hưng Quốc, một bài rất hay, nên cũng muốn có thêm vài lời về chữ male và female, và sex với gender trong
tiếng Anh.
Phụ nữ và đàn bà – females và women
Hôm kia, viết entry “Phụ nữ Bắc kì thiếu vitamin D!” tôi được một độc giả nhắc nhở
rằng tựa đề đó có thể gây hiểu lầm và phản cảm. Thật ra, tôi chỉ muốn nói cho
vui (chứ chẳng có ý gì), nhưng cũng xin ghi nhận lời nhắc nhở đó. Có khi mình
viết vui nhưng người khác thì không nhìn như thế.
Hai chữ mà tôi muốn nhắc
đến là đàn bà và phụ nữ. Trong bài viết, có đoạn
làm tôi giật mình, vì lần đầu mới biết đến:
“Để chỉ những người thuộc
phái nữ, tiếng Việt có hai từ: ‘phụ nữ’ và ‘đàn bà’. Trong hai từ ấy, chữ ‘phụ
nữ’ có âm hưởng lịch sự và trang trọng hơn hẳn chữ ‘đàn bà’. ‘Phụ nữ’ là từ có
tính nghi thức (formal) để chỉ người hoặc những người mình kính trọng; “đàn bà”
là từ bình dân, được dùng trong trường hợp hoặc thân mật hoặc khinh thường. Thế
nhưng, “phụ nữ”, vốn là từ Hán Việt, trong gốc gác của nó, ở Trung Quốc, lại
không sang và không nhã như trong tâm thức người Việt: Về từ nguyên, chữ ‘nữ’
được tượng trưng bằng hình ảnh một người đang quỳ với hai bàn tay chắp lại đầy
cung kính (女); chữ ‘phụ’, chỉ đàn bà,
được tượng trưng bằng hình ảnh một người nữ với cây chổi (婦), nghĩa là kẻ mà số phận
bị buộc chặt vào các công việc nội trợ, chỉ quanh quẩn trong nhà, hoặc tệ hơn,
trong bếp.”
Hoá ra, chữ phụ nữ có
một nguồn gốc không mấy hay ho như thế! Hồi nào đến giờ tôi vẫn dùng chữ này
trong các bài báo khoa học, vì nghĩ đó là một cách nói trang trọng dành cho
phái nữ. Trong khoa học mà viết “Vitamin D ở đàn bà Việt Nam” thì thật khó đọc
quá.
Bài viết của anh đồng hương
tôi, Nguyễn Hưng Quốc, còn trích dẫn một phát hiện rất thú vị của một học giả
người Mĩ, nhận xét rằng:
“Giữa nam và nữ, hầu hết
các ngôn ngữ đều thiên vị phái nam. Trong tiếng Anh, đàn ông (man) tượng trưng
cho loài người nói chung (mankind / human); trong chữ Hán, có khoảng 250 từ có
chứa đựng từ tố nữ, trong đó, ngoài những từ thuần miêu tả, còn lại hầu hết đều
mang nghĩa tiêu cực, như một cách đồng nhất phụ nữ với cái xấu: chữ “gian”
(gian đối) được tạo thành bởi hình ảnh ba người phụ nữ (姦); trong chữ “nộ” (giận
dữ) cũng được tạo thành bởi hình ảnh trái tim của người phụ nữ (怒); trong chữ “đố” (妒) (ganh ghét) và chữ
“yêu” (要) (yêu sách, đòi hỏi)
cũng có bộ nữ bên cạnh hoặc phía dưới, v.v.”
Lại thêm một phát hiện (đối
với cá nhân tôi) rất đáng biết. Đọc đoạn này tôi chợt nhớ đến ca khúc nổi tiếng
với tựa đề Đàn bà của nhạc sĩ Song Ngọc. Trong bài đó, có
những lời ca có thể nói là … cay cú:
Ôi đàn bà là những niềm đau
hay
đàn bà là ngọc ngà trăng sao
Ôi
đàn bà lại là con dao làm tim nhỏ máu.
Ôi
đàn bà dịu ngọt đêm qua
Hay
đàn bà lạnh lùng hôm nay
Ôi
đàn bà là vần thơ say
Khúc
nhạc chua cay.
Không biết khi viết bài
này, nhạc sĩ có tham khảo ý nghĩa chữ phụ nữ trong tiếng Hán?
:-)
Quay lại chuyện nghiêm
chỉnh trong văn phong khoa học. Trong tiếng Anh, những danh từ nhưmale / female,
gender / sex cũng có khi gây ra vài tranh cãi. Trong văn phong khoa
học (tiếng Anh), male và female được dùng rất
nhiều và rất phổ biến. Chúng ta hay bắt gặp những cách viết như “Among
female patients” hay “In males, the relationship was ….”. Nhưng gần đây, có
người chất vấn cách dùng đó. Có lần trong một cuộc họp ban biên tập một tập san
y khoa mà tôi là thành viên, có người đặt vấn đề là có nên dùng từ men
/ women thay cho males / females. Sau một hồi thảo
luận, chúng tôi đồng ý là nên thay thế. Lí do là chữ male / female có
thể hiểu là giống đực giống cái, chỉ thích hợp cho thí nghiệm trên động vật như
chuột, thỏ, heo, v.v. chứ không thích hợp cho người. Để đề cập đến người, cần
phải và nên dùng danh từ men và women.Với tôi, đó
là một bài học, và cũng là một kinh nghiệm.
Thế còn chữ gender và sex thì
sao? Trong hồ sơ bệnh lí (tiếng Anh), chúng ta hay dùng chữ sexđể
chỉ giới tính của bệnh nhân, và rất ít hồ sơ bệnh lí dùng chữ gender.
Sex như chúng ta hiểu làgiới tính. Sau này, ở Việt Nam, người ta có
khi viết ngắn hơn: giới. Còn gender thì phần
lớn từ điển dịch là giống. Tôi nghĩ cách dịch đó không hẳn là
chuẩn nếu hiểu đúng theo nghĩa tiếng Anh. Nhiều chuyên gia xã hội học chỉ ra
rằng:
- Sex là một biến định danh mang tính
sinh học. Chúng ta có thể viết sex chromosome, sex hormones, chứ
không ai viết gender chromosome, hay hormones of
gender cả.
- Gender cũng là một biến định danh dùng để
mô tả đặc điểm mà xã hội và nền văn hoá định danh là đực (masculine) hay
cái (feminine).
Theo cách phân biệt này thì sex là
cố định, xuất phát từ tự nhiên, còn gender thì mang tính văn
hoá và có ý nghĩa xã hội hơn là ý nghĩa sinh lí. Hiểu theo cách này, gender là
một social construct, còn sex là một biologic construct. Nếu
một người khi sinh ra có sex là nam, nhưng sau này giải phẫu thành nữ thì mô tả
như sau: sex là female, nhưng gender là male. Rắc rối!
Tôi nghĩ gender có
thể dịch là giới tính, còn sex là giới. Một người
là nam (sex = male) nhưng có hành vi giống nữ tính qua ăn mặc
chẳng hạn có thể gọi là nữ tính (gender = female).
Sẵn đây cũng xin đề cập đến
một cách viết mà tôi hay thấy trong các bài báo y khoa bên nhà. Nhiều đồng
nghiệp, có lẽ theo thói quen, hay viết như “Trong nữ, nguy cơ mắc bệnh là …”.
Đây là cách viết theo Tây, như in women, the risk of disease was … Nhưng
tôi nghĩ không nên dùng chữtrong nữ, mà nên dùng chữ ở nhóm
nữ. Trong nữ thì có thể bị hiểu lầm, nhưng ở nhóm nữ thì
chắc khó bị hiểu lầm.
Vậy xin lưu ý các bạn nào
đang viết bài báo khoa học: nếu đối tượng nghiên cứu là người, nên dùng men
/ women thay cho males / females. Còn
dùng gender hay sex cho "phải đạo"
hơn thì tuỳ thuộc vào bối cảnh.