Trang

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

CHUYỆN VỀ CON CUA

Tặng anh Thăng và Hội Cây sung


Con cua tám cẳng hai càng
Một mai hai mắt, rõ ràng con cua.

Là người Việt Nam ai mà chẳng biết câu ca dao trên.
Con cua tám cẳng hai càng, bò ngang bò dọc hỏi ... bò mấy chân? Đó là câu hỏi vui của một Armser (học sinh Trường Amsterdam Hà Nội).
Trong lúc nghỉ giải lao làm các việc Công ty, lướt web tôi “tóm” được mấy thông tin hay hay và đồng thời nhớ lại chuyện xưa có liên quan, nên chép ra đây kính mời bạn đọc thưởng thức.
Bài viết này không chỉ nói về cua Việt Nam mà còn về “cua quốc tế” nữa chứ.
BỘ MÔN “CUA HỌC”
Cận bộ Cua là nhóm chứa các loài động vật giáp xác, thân rộng hơn bề dài, mai mềm, mười chân có khớp, hai chân trước tiến hóa trở thành hai càng, vỏ xương bọc ngoài thịt, phần bụng nằm bẹp dưới hoàn toàn được che bởi phần ngực. Động vật dạng cua có nhiều tại tất cả các vùng biển, đại dương. Có loài sống trong sông, suối, đồng ruộng, chẳng hạn như các loài trong họ cua núi (Potamidae) hay họ cua đồng (Parathelphusidae) và một số loài sống trên cạn (họ Gecarcinidae). Đầu cua và thân được nối liền nhau vào một khối có lớp mai bọc bên ngoài. Chúng có thể nhỏ xíu (vài milimét) hoặc khá lớn (như cua nhện Nhật Bản dang rộng chân có thể đến 4 mét). Tên gọi phổ biến của các loài trong cận bộ này bằng tiếng Việt khá đa dạng như cua, cáy, còng, rạm, dã tràng, ghẹ, cà ra v.v nhưng các tên gọi này dường như không phải là các nhóm đơn ngành theo quan điểm của phát sinh loài hiện đại mà chỉ đơn thuần dựa theo hình thái hoặc môi trường sống của chúng. Hiện nay, người ta ước có khoảng gần 6.800 loài.
Tất cả các loài động vật dạng cua đều có 10 chân, 2 càng to ở phía trước dùng để tự vệ và xé thức ăn. Chúng bò ngang với tốc độ khá nhanh.
Nick name “hoannb” trên Yahoo có nội dung trả lời câu hỏi về gạch cua.
Gạch cua chính là nơi chứa các tế bào sinh dục của loài này. Đối với cua đực thì đó là hệ thống các tế bào sinh tinh còn ở cua cái thì đó là buống trứng của nó. Khi bắt đầu vào sinh sản, những trứng chín được chuyển xuống yếm của con cua cái, ở đó nó được thu tinh sau đó được con cua cái giữ ở đó cho tới khi nở ra thành cua con một thời gian thì các chú cua con mới phân tán vào trong môi trường nước. Giữ cua con trong yếm của cua cái là biện pháp tốt nhất giữ cho tỷ lệ sống sót của những con cua con là cao nhất.
Nick name “nguyet san” lại có câu còm vui phết:
Như anh @hoannb nói, vậy ăn gạch cua có giúp gì cho tình dục nữ mạnh thêm kô ?
Wikipedia tiếng Việt còn có bài viết rằng:
Cua đồng
Chữ Nôm chỉ bắt đầu có chữ "cua" từ khi người châu Âu sang buôn bán ở nước ta. Họ mang chữ "cua" trong tiếng Hy lạp là "brachyura" (βραχύ-ουρά), nghĩa là loại cụt đuôi để phân biệt với tôm tép.
Chữ "brachyura" (đọc là "bra-khy-u-ra") chuyển sang tiếng Việt thời xưa được thu ngắn bỏ mất phần đầu, thành ra "khua." Các ông cố đạo Bồ Đào Nha khi làm tự vị phiên âm chữ Việt thì họ viết thành "cua." Từ đó người mình học chữ Quốc Ngữ cứ theo cách viết mà đọc nó là "cua."
Ở miền Nam, người Chàm cũng tiếp nhận chữ "brachyura" và dần dần qua nhiều thế hệ, được Việt hóa thành con "ba-khía" (cũng chính là con cua ở các tỉnh miền Tây Nam bộ).

ĂN CUA CÓ LỢI CHO SỨC KHOẺ
Canh cua đồng là món canh giải nhiệt trong mùa hè, kích thích ăn uống và dễ tiêu hóa thức ăn. Y học cổ truyền và y học dân gian dùng cua đồng chữa ứ huyết khi bị chấn thương bầm giập. Y học hiện đại xác nhận: Trong cua đồng có nhiều calci phosphat nên rất tốt cho trẻ còi xương hay người bị loãng xương.
Canh cua đồng
Bộ phận dùng :
Cả con cua.
Thành phần dinh dưỡng: 
Có 12,3% protid; 3,3% lipid; 5.040mg% Ca; 430mg% P; 4,7mg% Fe; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg% B2; 2,1mg% PP; 0,12mg% B6; 125mg% cholesterol. Ngoài ra, có 0,25% melatonin. Mai cua có chất chitin.
Cua đồng dùng trong y học cổ truyền và y học dân gian:
Theo Đông y, cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc; có tác dụng sinh phong liền gân nối xương. Dùng trị nhiệt tà, bạt độc, trừ lở ghẻ và máu kết cục.
Chữa trẻ nhỏ còi xương, chậm biết đi; Chữa vết thương đụng giập, lở loét; Chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ; Giải nhiệt mùa hè trị lở ngứa; Trị viêm thận cấp; Trị trướng bụng, chứng phù tim; Chữa sưng tấy.
TS. Nguyễn Đức Quang

Cua là một thực phẩm quen thuộc của nhân dân ta. Ngoài chất đạm, trong thịt cua còn có hàm lượng vi khoáng như kẽm, đồng, mangan, sắt, selen, crom, là những chất có vai trò đặc biệt quan trọng để duy trì hoạt tính xúc tác của các enzim, hệ nội tiết, hệ thần kinh trung uơng và là thành phần của các vitamin. Cua là loại thực phẩm rất tốt cho những người bệnh ung thư, mỡ máu cao. Xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc từ cua để bạn đọc tham khảo. 
 Món ăn bài thuốc từ cua biển.
- Mai cua sống tươi dùng nồi đất sao cháy đen nghiền thành bột mịn. Mỗi lần uống 6g với rượu để lâu năm. Ngày 3 lần. Uống liên tục.
- Canh thịt cua băm viên: Cua (sống ở sông) 5 con, củ năn (mã thầy) 50g, trứng gà 2 quả, dầu thực vật 500g, tinh bột ướt, rượu vang, tiêu, bột gia vị, hành gừng thái vụn lượng tuỳ ý. Cách làm: Cua hấp chín lấy thịt và gạch cua, để vỏ cua vào nồi thêm nước nấu khoảng 30 phút để chờ. Thịt cua, gạch cua, thịt nạc, củ mã thầy bỏ vỏ băm vụn, đập trứng gà, tinh bột, mì chính, rượu vang, gia vị quấy nhuyễn làm nhân bánh. Đổ dầu ăn vào nồi đun nóng, nhân đem rán vàng vớt ra. Cho rượu muối, bột vào canh vỏ cua nấu sôi với thịt viên đã rán, rắc hạt tiêu là ăn được.
- Canh gạch cua biển nấm hương: gạch cua 150g, nấm hương 45g, thịt cua 75g, canh vỏ cua 1.000ml, dầu ăn 150g, dầu vừng, hạt tiêu, rượu, gia vị, tinh bột 30g. Cách làm: dùng lửa to đun nóng nồi, đổ dầu để bốc khói, cho gạch, thịt cua vào xào qua, thêm rượu trắng, canh vỏ cua, nấm hương (đã ngâm nước) muối, đun sôi, tinh bột ướt đun nhỏ lửa trong 10 phút, thêm dầu vừng, hạt tiêu là được.
- Canh vỏ cua biển rong biển: vỏ cua 60g, rong biển 60g, canh thịt lợn nạc 30ml, hành thái nhỏ, gia vị các loại. Cách làm: bỏ cua vào nồi,  cho rong biển (đã ngâm rửa hết màu, cắt thành sợi) nấu tiếp 10 phút. Thêm dầu ăn và gia vị là được.
Nhiều loại thực phẩm có tác dụng bớt viêm và giảm đau nhức của bệnh ung thư xương. Trong số đó có cua, măng tây, nấm hương, mộc  nhĩ... Cách chế biến tương tự như trên. Những món ăn trên rất tốt với người bệnh ung thư vú, ung thư xương.
Ngoài hỗ trợ phòng chữa ung thư, cua còn là món ăn tốt để giải nhiệt trong mùa hè, tốt cho những người béo phì, mỡ máu cao, tăng huyết áp.
- Canh cua đồng ngon, mát, bổ, đặc biệt trong những ngày nắng nóng gây khô khát, ra nhiều mồ hôi, mỏi mệt, bải hoải chân tay...
- Giảm béo phì, mỡ máu cao, tăng huyết áp, tiểu đường:
+ Thịt cua biển nấu măng tây.
+ Thịt cua biển nấu với rong biển, sinh địa (hoặc thục địa), có thể thêm mạch môn, táo tàu. Nấu với ít nước (vì nước ở  cua sẽ ra thêm). Có thể uống nước hoặc ăn cả táo, thịt cua.
+ Thịt cua biển nấu với sâm bố chính, hoài sơn (củ mài) tốt cho trường hợp kém ăn, hấp thụ kém, ho nóng. Dùng tốt vào mùa hè.
+ Thịt cua biển nhồi: thịt cua biển, thịt lợn nạc băm vụn, miến, nấm đông cô, bột sắn dây. Tất cả xay nhuyễn, nhồi vào cua, đem hấp, đút lò hoặc nướng chín. Ăn riêng hoặc kèm các loại rau sống như so đũa, bông điên điển, rau càng cua, rau đắng, thiên lý...
BS. Phó Đức Thuần

Món ăn đặc sản

Chuyện ”bí mật của tôi”.

Cách đây xấp xỉ hai chục năm, do “rung động của con tim” thôi thúc, tôi đã sáng tác truyện và cả thơ nữa. Thế có “tài” không cơ chứ. Tôi xin trích một đoạn ngắn.

Làm sao mà quên được bữa đưa em đi ăn món bún riêu quang gánh ở phố Tuệ Tĩnh (mở ngoặc: Hà Nội). Ngồi vỉa hè, trên ghế con thấp tè, đối diện với bà chủ hàng gánh. Bà cụ miệng sởi lởi, tay làm thoăn thoắt.

- Cho một bát thật ngon, bà nhé. Cô bạn cháu từ miền Nam ra, lần đầu được ăn món này đấy. Không biết tôi học đâu được cái kiểu nói khách sáo như vậy, vì tôi biết bà cụ đã làm là bát nào cũng như bát nào.

- Yên chí. Tôi làm cho hai cô cậu không chê vào đâu được. Ăn được cay chứ gì? Cả mắm tôm nữa chứ?

- Vâng.

Với những món kiểu bún, phở hoặc cháo, hay tương tự như thế, tôi có thói quen ăn loáng một cái, người chưa kịp ra hết mồ hôi thì đã hết. Còn em lại có vẻ thẹn thùng, ăn thỏ thẻ, cứ gẩy gẩy…

- Chịu à? Chỉ hết non nửa thôi à? – tôi hỏi khi thấy em vừa ăn vừa xuýt xoa, rồi không ăn nữa.

Bún riêu cua sao không chiều tớ

Cớ chi cay và mặn thế này?

Nhìn em, anh liên hồi tủm tỉm

… thế mới hay …

Rồi về, những mong làm gì có…

Mỗi khi tôi khi đọc những dòng này, lại thổn thức, thổn thức…

Món khoái khẩu

Về sau, cũng món riêu cua này, tôi hay ăn tại quán của vợ anh Lợi, “Lợi máy dao”, người cùng nhà in cũ. Quán này ở phố Yết Kiêu, gần cơ quan tôi lúc đó, chủ quán lại là người quen. Vừa dừng xe máy trước cửa, đã thấy anh đon đả “Ông cứ để xe đấy, tôi cất cho”. Chị vợ chỉ “sai” anh làm mỗi việc trông xe. Còn anh thì cứ hề hề, bất kể khách quen hay lạ. Nồi nước riêu to đùng, đặt ngay ngoài cửa. Lớp gạch cua dày, vàng sậm, xen lẫn đậu phụ miếng lát vuông, rán giòn vừa phải, cùng với màu đỏ của cà chua trông rất bắt mắt. Nhà nhỏ mặt phố, chỉ kê được hai dãy bàn nhỏ như bàn hội trường, ngồi ăn áp mặt vào tường. Nhiều hôm phải chờ mất một lúc mới có chỗ ngồi. Khách vào, trước mặt đã có sẵn 2 lọ “đặc thù”: lọ ớt bột ướt, lọ mắm tôm có màu xanh và dậy mùi rất chuẩn. Khi có khách vào thì người phục vụ của quán mới bốc từ một cái rổ to đùng cho vào một rổ nhựa xinh xinh trong đựng rau diếp, tía tô, kinh giới thái nhỏ, hành cây chẻ tư và bưng cho khách. Lọ dấm tỏi, ớt, ai thích thì dùng thêm. Đũa, thìa sạch sẽ, khô rang. Đặc biệt, bát bún riêu thật nóng, hơi nghi ngút mới ngon. Ngồi ngay ngắn trước bát bún riêu vừa được bưng ra, việc trước hết là tôi dùng thìa nếm nước riêu. Đạt rồi, như mọi khi. Bột ớt ướt, dấm tỏi lần lượt cho vào, mỗi thứ một tí. “Cái anh” mắm tôm, với tôi, phải cho nặng tay, cỡ một phần tư thìa canh loại nhỏ, nước nó mới đậm đà “bản sắc”. Riêng tôi, ớt tươi cay phải thêm chí ít là nửa quả. Rau sống cho vào bát riêu không được nhúng ngập làm nát rau, dễ mất ngon. Bắt đầu “chiến đấu”. Tốc độ của tôi tương đối khá. Lùa được dăm ba miếng lại bỏ thêm rau. Một mình tôi đả gần hết đĩa rau nhỏ đó. Xuýt xoa vì cay của ớt, mồ hôi lấm tấm vào mùa đông hoặc đầm đìa vào mùa hạ. Thế mới đã. Tôi mấy lần chở nhạc mẫu tới, lần nào cụ ăn cũng tấm tắc khen mãi.

Bún riêu cua Nam bộ khác hẳn Hà Nội

Mới cách đây hơn một tháng trên vietbao có bài với tựa đề kể trên.
Vị chua chua của me, mùi thơm từ hành sim, hương vị độc đáo của mắm tôm, vị béo từ riêu cua đồng, dai dai từ ốc bươu… tạo nên món bún thơm ngon đậm chất Nam bộ.
Nồi nước bún có nhiều thành phần hơn hẳn bún riêu ở Hà Nội.
Không biết tự bao giờ món bún riêu cua lại trở nên khá thân quen với người dân ở mọi vùng miền đất nước. Nhiều người cho rằng món ăn này có nguồn gốc từ cư dân sống tại vùng châu thổ sông Hồng, sau đó theo chân những người Bắc di cư vào miền Nam.
Nếu như ở miền Bắc, món bún riêu có riêu cua đồng, cà chua chín, đậu phụ, tóp mỡ và mắm tôm, khi xuống đến một vài nơi thuộc khu vực miền Trung, món này còn cho thêm miếng chả lụa hay chả Huế.
Đến các tỉnh miền Tây Nam bộ, bún riêu cua đã được biến tấu nhiều để phù hợp với khẩu vị của người dân nơi đây, có thêm tiết, giò hoặc sườn lợn, thêm một ít râu mực, tôm khô… Tất cả đã góp phần làm phong phú thêm món bún riêu, phù hợp khẩu vị nhiều người ở các vùng miền khác nhau.
Bát bún riêu nóng hổi của người Nam bộ kết hợp mùi mắm tôm với ớt cay nồng, nước lèo nóng hổi có vị chua của me và cà chua chín, vị thơm của hành sim, vị béo của riêu cua đồng tươi, ốc bươu, tiết lợn, đậu phụ ngon tuyệt. Chủ quán thường bán kết hợp bún riêu cua và canh bún để thêm phần thú vị và tạo nhiều sự lựa chọn cho người ăn.
Cùng đĩa rau xanh (giá, rau muống, rau thơm, xà lách…), vắt chút chanh vào bát bún, kèm một ít ớt sa tế hoặc ớt tươi là bạn có thể thưởng thức được một tô bún riêu cua ngon miệng rồi. Bún riêu Nam bộ có bán trên một số vỉa hè hay chợ trên các con đường Sài Gòn chỉ với giá bình dân khoảng 15.000 đồng.
Nếu đi trên những đường Cao Thắng (quận 3), Hoàng Văn Thụ (Tân Bình), Âu Cơ (quận 11), bạn sẽ tìm cho mình được một quán bún riêu thơm ngon. Những quán ở đây bán tầm giữa trưa đến chiều tối, rất đông khách.
Ở Hà Nội, bạn cũng có thể thưởng thức bún riêu kiểu Nam Bộ ở ngã tư Hàng Bông - Phủ Doãn.
Trong bát bún không chỉ có riêu mà còn có cả ốc bươu, tiết lợn, râu mực, tôm khô.

Món ăn yêu thích của các bạn học sinh, sinh viên
                                                                                                                             Hà Lâm

“Triết lý con cua”

Cũng trên trang vietbao mấy năm trước có bài “triết lý”. Tôi xin trích một đoạn.
Con cua tám cẳng hai càng, thế nên nó bò nhanh lắm. Vậy mà cho cả bọn cua vào một cái thau, vành thau rộng thế mà chẳng con nào thoát khỏi.
Ụp vội ngay cái tính từ "xấu xí" vào những chú cua kể cũng đáng tội cho chúng. Chí ít ra, đó là những sinh vật vô thức, chúng hành động bằng bản năng. Chỉ xin mượn cách sống bản năng đó để bạn hình dung "triết lý" này một cách dễ dàng hơn.
Cùng quay lại câu chuyện con cua để giải thích vì sao chúng chẳng bao giờ thoát khỏi cái thau rộng vành ấy. Thí nghiệm thử xem sẽ thấy: Cứ một chú thập thò trèo lên, thể nào chú khác cũng bám càng lôi tuột xuống. Con nọ lôi con kia, cả bọn rơi tõm trở lại. Dường như không chịu nhường nhau.
Thành ngữ Việt Nam có câu: “Đời cua cua máy, đời cáy cáy bò”. Như một kiểu AQ, phận ai thì cũng đã định, khỏi thắc mắc chi.

CÁC MÓN CUA Ở THÁI LAN
Món nộm trứ danh Sôm tằm, đặc trưng rất Thái
Sôm tằm. Ảnh Wikipedia
Người Thái có hơn 20 món Sôm tằm truyền thống, hình như vậy, chỗ nào cũng có bán, khoảng 25 Baht thôi. Trong siêu thị các quầy chế biến sẵn không có bán, vì món này phải làm tại chỗ. Nộm mà. Nếu bạn muốn làm lấy, cũng không khó gì.
Ở bài này, tôi chỉ giới thiệu Sôm tằm pù (là Sôm tằm trộn với cua). Thành phần món này bao gồm đu đủ xanh, cua đồng, cà chua, đậu đũa, chanh tươi và một số gia vị (ớt, tỏi, đường, nước mắm, mắm tôm). Bạn sẽ ngạc nhiên, nộm thông thường là ăn sống, nên bạn sẽ hỏi cho cua sống hay chín vào trộn lẫn. Xin thưa, chẳng sống mà cũng chẳng chín. Đầu tiên, bạn phải chuẩn bị món cua trước ít nhất 1 ngày. Cua rửa sạch, bỏ mai, bỏ nội tạng rồi ngâm nước mắm hoặc nước muối với độ mặn vừa đủ. Mấy chỗ mà tôi hay mua, họ làm mặn quá, chát sít luôn. Khi cua đã “chín” (ít nhất 1 ngày), bạn bắt đầu ra tay. Bào đu đủ xanh thành các sợi nhỏ. Đậu đũa bẻ ngắn cỡ đốt ngón tay. Cà chua xắt nhỏ như nấu canh. Chanh tươi xắt nhỏ sao cho miếng nào cũng có cùi vỏ, cùi càng nhiều càng ngon. Ớt tươi càng cay càng tốt, cắt mảnh càng dài càng đẹp. Tỏi cùng với một ít ớt tươi nữa, giã dập nhỏ. Dưa chuột chẻ nhỏ thay thế đu đủ xanh nếu bạn không thích nó, nhưng đừng mỏng quá. Tuy vậy, nếu không có đu đu xanh thì không phải là Sôm tằm. Bạn có thể không dùng mắm tôm nếu bạn không ưa và tự làm lấy. Xong. Bạn trộn đi. Lưu ý, nếu thấy nhạt thì cho thêm chút nước mắm. Khối lượng các thành phần khác cũng tuỳ, sao cho hợp khẩu vị của bạn và số lượng người ăn. Bạn nếm và ngồi vào bàn đi. Trong bữa ăn, người Thái hay ăn món này cùng với bún tươi hoặc xôi và tuỳ thích có các món gà hoặc cá nữa. Aloy mái? Aloy mác. (Có ngon không? Ngon quá!).
Các món cua khác
Tương tự như ở Việt Nam. Cũng luộc, hấp, xào, nấu canh, nấu xúp... đều ngon cả.
KHÔNG PHẢI MÓN CUA, CŨNG CHẲNG PHẢI CUA
Đó là nick name của nữ Thủ tướng Chính phủ Thái Lan đương nhiệm, Yingluck Shinawatra. Cua tiếng Thái đọc là Pù. “Pù” này đang cùng với Chính phủ và người dân Thái vật lộn chống “giặc lũ” từ hơn 3 tháng nay vẫn chưa dứt.
Thủ tướng Thái Lan phát biểu trên TV ngày 25/10/2011. Ảnh Internet

3CANG  
09/11/2011.