Bến phà ở đảo Olkhon, TP Irkutsk. |
1. Thuở nhỏ, cô con gái tôi rất thích trò chơi xếp hình bản đồ thế giới từ những tấm các tông đục khoét lồi lõm khác nhau. Và mỗi nước có một màu của mình. Có những nước chỉ cần xếp chẵn một ô, thậm chí hai, ba nước vừa lọt thỏm trong một khối màu. Nước càng nhỏ thì sắp xếp càng đơn giản. Nhưng tới nước Nga, bao giờ nó cũng tắc tị, để dành xếp cuối cùng. Cho đến tận giờ khi đã lên lớp 10, theo như bé hình dung, đất nước này vẫn quá lớn, vẫn quá phức tạp và còn phức tạp hơn cả các đại dương có tô màu xanh thẫm. Cứ nhớ lại chuyện này trên chuyến xe xuyên Siberia, tôi lại thầm mỉm cười: Liệu mình có khả năng hơn con gái hay nước Nga vẫn phức tạp và khó hiểu với tất cả?
Thật khó cắt nghĩa khi chính người Nga
tự bản thân cũng thấy khó hiểu với chính nước Nga. Họ dường như vẫn còn dằn vặt
giữa quá khứ và tương lai, giữa giữ bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế sâu
rộng, giữa cái cũ đã thành nếp và cái mới được cho là tiêu chuẩn chung của toàn
cầu hóa.
Có thể thấy rõ mớ mâu thuẫn phải giải
quyết qua ví dụ nhỏ li ti là… cái nhà vệ sinh hay cái toilet, nỗi ám ảnh thật
sự với du khách đường trường mỗi khi xe dừng lại nghỉ chân dọc đường. Bạn cứ
hình dung nó chỉ là một lỗ khoét lộ thiên, phía dưới là thùng đựng bốc mùi mà
ai yếu bóng vía bước vào tức khắc sẽ dội ngược ra. Thậm chí cả ở những quán cà
phê điểm tâm bên đường - một dạng bistro của nước Nga - có sàn nhảy và máy quẹt
thẻ tín dụng quốc tế, người ta cũng nói “không” với toilet có bàn cầu ngồi,
nước giật xây bên trong. Và dù nóng, lạnh, tuyết rơi, súng bắn, nhất thiết bạn
phải bước ra cái hố ở cách xa đó 100m. Cho nên nếu có nhu cầu thì tiện nhất -
cứ làm theo kiểu thiên nhiên “nhất quận công” như ở Việt Nam - tuy rằng có hơi
mắc cỡ với bạn bè năm châu.
Kể cái chuyện “văn hóa toilet” nhỏ nhặt
này để thấy đôi khi cái nhỏ không được quan tâm đúng mức cũng dễ làm nảy sinh
cái lớn hơn, như chuyện chảy máu chất xám mà nước Nga phải đương đầu cả chục
năm qua. Người Nga kể rằng sau khi Liên Xô tan rã, các khoản trợ cấp dành cho
nghiên cứu bị cắt bỏ, cộng thêm môi trường làm việc thay đổi dẫn đến sự phá sản
của hàng loạt các viện nghiên cứu khoa học - niềm tự hào một thời của đất nước
Xô Viết.
Khi đó, các nhà bác học đáng kính hàng
tháng trời không được nhận lương, phải làm các công việc tay chân sống qua ngày
hoặc chuyển hẳn qua ngạch buôn bán và ai còn đam mê với khoa học thì bỏ ra nước
ngoài sinh sống. Nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi khi nước Nga đang dần tìm ra
bóng dáng của một siêu cường khoa học trước đây. Điều đó thấy rõ ở ngay trái
tim Siberia lạnh giá, nơi mà Liên Xô cũ đã cho xây cả một thành phố khoa học có
tên Akademgorodok - “thị trấn viện sĩ” với hơn 10.000 nhà bác học tài năng nhất
chuyên thực hiện các nghiên cứu hạt nhân, các công nghệ sinh học và nano…
Sau ít năm lụi tàn cùng bầu trời tối
mịt của bão tuyết Siberia, thành phố nhỏ này đã hồi sinh trở thành một thung
lũng Silicon thực sự của nước Nga. Người Mỹ đã đặt cho Akademgorodok cái tên
“Silicon của rừng taiga” vì nó đang là ngôi sao mới nổi trong làng công nghệ
thông tin thế giới.
Tại nơi tưởng chừng như là tận cùng thế
giới này, các tập đoàn IT hàng đầu như Intel, Schlumberger, HP, Microsoft,
Samsung, LG… từ lâu đã cho mở các trung tâm sáng chế của mình và nói như một
người bạn Nga có bằng tiến sĩ khoa học: “Các nhà lập trình chúng tôi còn giỏi
hơn người Ấn Độ. Không ở đâu giỏi hơn đây”.
Và đó không phải là tự tâng bốc: hàng
loạt các nhà khoa học tại đây đã nhận giải thưởng quốc gia vì có những khám phá
độc nhất vô nhị, trong đó có nhà toán học L.Kantovich thậm chí còn nhận giải
Nobel khoa học. Nhờ đơn đặt hàng và thương mại hóa sản phẩm, cuộc sống tại
Akademgorodok đã nhộn nhịp hẳn với đầy rẫy người tai gắn Bluetooth, tay lướt
iPad bên tách cà phê Capuchino nóng hổi. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là bề nổi, phần
chìm - giống như lớp băng vĩnh cửu - là nước Nga nói chung và Siberia nói riêng
đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao quả là khó làm tan
chảy, khó giải quyết trong tương lai gần.
2. Có lẽ đúng là hạnh phúc không thể mua được bằng
tiền, tuy có nhiều tiền thì hạnh phúc cũng dễ đến hơn. Và hơn ai hết, người Nga
với thu nhập GDP đầu người khoảng 1.000 - 1.500 USD/tháng, đáng được xếp hạng
các nước giàu của thế giới, đã không cảm thấy thoải mái và hạnh phúc khi chứng
kiến người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc âm thầm xâm nhập thị trường lao
động và thị trường bán lẻ nước mình.
Ở đảo Olkhon, khi chúng tôi nói đùa
rằng có lẽ sắp tới con cháu người Nga sẽ chào nhau bằng câu tiếng Trung “nihao”
thì cô hướng dẫn viên du lịch từ thành phố Irkutsk đã bực bội cắt ngang: Tôi
không thích chuyện này. Tôi sẽ chỉ lấy chồng Nga và nói tiếng Nga. Nhưng có nói
gì thì nói, cô gái tuổi đời chỉ khoảng ngoài 20 trông khá xinh xắn, vốn là giáo
viên tiếng Anh đã chuyển sang làm du lịch cũng thừa hiểu sự hiện diện và tầm
ảnh hưởng của nước láng giềng khổng lồ này ở Baikal, nơi cách Bắc Kinh gần 4
giờ bay (thậm chí trên máy bay của Hãng hàng không Hải Nam còn có tiếp viên nữ
người Nga giao tiếp được bằng tiếng Trung). Sự thật là ở trung tâm thành phố,
nơi cô gái sinh sống, có hẳn một trung tâm thương mại to đùng gắn biển
“Shanghai city” (thành phố Thượng Hải) bán đủ loại hàng Trung Quốc từ rẻ tiền
đến đắt tiền, nghĩa là cái gì cũng có, hợp với mọi túi tiền, mọi lứa tuổi.
Và ở xa đã vậy, ở dọc biên giới Nga -
Trung dài đến 4.000km tình hình lại càng không mấy thuận lợi cho nước Nga: Qua
sông Amur, người Nga được phép mỗi tháng một lần mang về nước 30kg hàng hóa
miễn thuế và đối với nhiều người “điểm tựa Trung Quốc” này còn quan trọng hơn
là Moskva xa xôi. Có những nơi ở Viễn Đông, người ta rất khó tìm ra một mặt
hàng nào đó không dán mác “Made in China”, từ thực phẩm, đồ uống, quần áo, đồ
điện tử đến gạch lót đường. “Sản xuất không có lãi. Với tiền công trả cho người
Trung Quốc thì thậm chí người Nga không thèm nhấc mông ra khỏi giường” -
Valery, một người đàn ông đứng tuổi từng nhiều năm sống ở Trung Quốc đã thổ lộ
vậy.
Đúng là tình thế đã thay đổi, trước đây
người Trung Quốc sống dọc đường biên hỏi mua của người Nga đủ thứ: đồng hồ,
thuốc lá, quần áo may sẵn, trang phục thể thao, còn giờ thì ngược lại. Có thể
thấy rõ sự tương phản hiện giờ khi trên đất Trung Quốc bên các tòa nhà chọc
trời có cả ngàn hàng quán và khu vui chơi giải trí sáng biển đến đêm khuya,
trong khi nước Nga lại vắng lặng, đến trưa mà cũng chưa thấy một quán cà phê
hay nhà hàng nào mở cửa. “Chắc chắn sẽ thay đổi. Không thể như vậy được” - câu
này có thể nghe thấy ở mọi nơi chúng tôi qua.
Thực tế cho thấy người Nga có thể khâm
phục thành tựu kinh tế và mua hàng Trung Quốc nhưng lại không mấy thiện cảm khi
nói về công dân nước này. Họ cười mỉa mai giọng nói tiếng Nga đặc sệt ngữ điệu
Trung Hoa tuy bản thân mình cũng chỉ lõm bõm nói được câu Nihao. “Ai ở nước Nga
chịu làm việc với mấy đồng cô-pếch này?” - người Nga tỏ vẻ kinh ngạc khi chứng
kiến công nhân Trung Quốc phải làm những công việc nặng nhọc nhất và chịu đựng
nỗi cơ cực mỗi khi cảnh sát chặn hỏi có giấy phép cư trú tạm thời hay một loại
giấy tờ tùy thân nào đó.
Giải nghĩa nghịch lý này, một nhà báo
Nga ở Irkutsk nói: “Những ngành kinh tế nào tồn tại ở vùng Viễn Đông thuộc Nga?
Chỉ có xuất khẩu gỗ, xuất khẩu phế liệu và nhập khẩu ô tô ngoại. Ban đầu tôi
không rõ người dân lấy đâu ra tiền để mua hàng Trung Quốc khi mà tiền bạc chỉ
có người Trung Quốc kiếm được, nhưng về sau mới vỡ lẽ còn có lĩnh vực làm ăn
phát đạt là chặt rừng trái phép để xuất sang chính Trung Quốc”.
Như thế, nước Nga không thể mãi chỉ
sống dựa vào nguồn tài nguyên giàu có và câu hỏi mà một chuyên gia kinh tế đặt
ra “hiện đại hóa hay là chết?” càng có ý nghĩa thời sự… chỉ không biết nên bắt
đầu từ đâu?
Bích An - sggp.org.vn
(Còn nữa)
Xem thêm