Trang

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

BẮN NÁ THUN HẠ ĐƯỢC VỢ

(giaoduc.net) - Danh tự nhận ngày còn nhỏ học ở Sóc Trăng, gần cả chục năm trời đi học anh chỉ lên được tới lớp… bốn, cha mẹ thấy vậy nên cho ở nhà luôn...
Ngày xưa người ta xem phim Hồng Kông, thấy những cao thủ võ nghệ cao cường gồng nội công “chưởng” một phát là chết người; thế nên khi thấy chàng trai Danh Hồng Trương (ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vung nạng thun bắn mỗi phát thì rớt một con chim nên biệt hiệu Danh “Chưởng” có từ đó.
“Qua mặt” cả sư phụ
Danh tự nhận ngày còn nhỏ học ở Sóc Trăng, gần cả chục năm trời đi học anh chỉ lên được tới lớp… bốn, cha mẹ thấy vậy nên cho ở nhà luôn. Danh có người cậu ruột tối ngày vô rừng bắn cò bắn chim. Nghỉ chơi với với tụi bạn, Danh theo cậu suốt ngày nhưng chẳng bao giờ học mót được gì.
Ảnh minh họa.

“Cậu vung một phát là một con, mang theo bao nhiêu đạn là đem về bấy nhiêu chim cò nhưng cậu chỉ cho tôi đi theo xách đồ chứ đời nào chỉ cách bắn, cách làm nạng thun. Tìm chỗ cậu giấu nạng thun, tôi lấy về nhà, tìm cây nạng giống vậy, kiếm dây chun buộc vô học bắn”, anh nhớ lại.
Thường thì cái gì học lỏm thì người ta thường cố tâm học cho bằng được, thậm chí học rất giỏi. Danh cũng không ngoại lệ. Sau thời gian lén tập nạng thun một mình, tài nghệ của Danh ắt đứt “sư phụ”. Lần đó, Danh xin theo cậu nhưng không phải “lon ton” như mọi khi mà muốn …trổ tài.
Tới bìa rừng, “sư phụ” vung bốn nhát rớt bốn con cò lửa, Danh cũng vung bốn nhát được y như vậy nhưng cò của Danh rớt xuống đất lát sau tỉnh lại, còn cò của “sư phụ” thì “ngủm” luôn. Người cậu giật mình gặng hỏi thì đứa cháu tỉnh bơ: “Phải bắn ngay cái mỏ, cái cánh thì nó không chết, chỉ bất tỉnh hoặc què quặt thôi, còn bắn trúng đầu thì nó bể sọ chết chứ sao?”. Danh tự hào kể lại: “Ổng trợn mắt nhìn tôi rồi nghỉ bắn nạng thun luôn từ đó”.
Năm 24 tuổi, Danh theo cha mẹ về quê ngoại sinh sống, suốt ngày ở ngoài đồng nhưng không làm ruộng vì không có đất canh tác mà vác nạng thun bắn cò. “Tụi con gái xứ này mê nó “chết lên chết xuống” cũng nhờ cái tài bắn cò, bắn chim hay tài tình của nó.
Ngày trước, thời điểm mới gieo sạ, chim cò ở vạt rừng Vồ Dơi kéo về lũ lượt, đạp nhẹp cả mạ non, nhiều gia đình xót của nhờ nó lấy nạng để bắn xua đuổi chim phá lúa. Những con chim, con cò… nào gặp nó coi như tàn đời. Nó hay đến nỗi bắn được… con vợ nó bây giờ luôn”, ông Diệp Huỳnh My, Phó ấp Kinh Đứng B thuật lại.
“Bách phát , bách trúng”
Tài nghệ nghe đồn là vậy, còn tận mắt chứng kiến thì chẳng được mấy người, thế nên nhiều người đã tìm đến… “cá độ” và kết quả là trận nào cũng thua Danh lăn lóc.Trưởng ấp Hai Bình là một trường hợp. Bữa nọ, Hai Bình cùng mấy anh em trong xóm đang bàn chuyện đồng áng, gặp Danh Chưởng đi qua trưởng ấp liền thách thức: “Nếu chú em bắn bách phát bách trúng, vậy chú thử biểu diễn bắn trúng lỗ cây cột điện này xem, nếu được tôi khao cả đám một chầu “quắc cần câu”.

Cây cột điện Hai Bình nói là loại cột tròn, có mấy cái lỗ tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay cái trên đỉnh, ăn thông từ đầu bên này sang đầu bên kia, thường để mấy ông “nhà đèn” gắn bù – loong vào mỗi khi leo cột sửa điện. Quyết tâm “chơi ác” Danh nên trưởng ấp chỉ cho anh một lần bắn duy nhất, đứng cách khoảng 10m. “Nó vung một nhát không thấy đường đạn luôn.
Tôi cười khà khà đắc thắng, mọi người cũng đồng thanh cười chọc quê rồi đến xem thử nhưng chẳng thấy viên đạn đâu cả. Tới khi nhòm phía sau lỗ cột bên đầu kia, tôi mới thấy viên đạn đất nằm nhú ra một chút. Thì ra nó bắn từ lỗ bên này mà đạn xuyên thấu qua lỗ bên kia.  Tôi thua chầu nhậu, mất toi tháng lương”, Trưởng ấp “cay đắng” xác nhận.
Có người không dám cá độ, mà mượn cớ khác để “mãn nhãn” về tài năng “ký nhân” như trường hợp anh Hiếu ở đầu ấp. Cho rằng ruộng mới sạ lúa bị cò kéo bầy về đạp, rồi ăn lúa, anh nhờ Danh đến bắn bộ bầy cò. “Tối đó tôi chống xuồng chở nó ra miếng ruộng sau nhà. Thằng Danh biết tôi muốn thử tài nên cất tiếng: “Ông muốn tôi bắn vào bộ phận nào của con cò, tôi sẽ bắn vào chỗ ấy”.
Gặp được bầy cò chừng chục con đang cặm cụi ăn mồi bên bờ ruộng cách chừng 15 mét, tôi thách thức : “Có ngon bắn cái con đầu đàn vào cổ”. Nó lầm lì không nói, vung một đường đạn, con cò giãy dụa rồi nằm im. Nó vung thêm sáu nhát đạn nữa, đàn cò bị động nên bay loạn xạ. Tôi lượm con đầu đàn thấy nó bị bắn đúng vào cổ nên gãy xương chết; sáu con còn lại có bốn con trúng ngay cánh, hai con ngay cái mỏ nên ngất xỉu. Tôi câm bặt tâm phục khẩu khục”, ông Hiếu kể.
Khâm phục tài nghệ, tối đó ông Hiếu làm cò, đưa tiền Danh đến tiệm tạp hóa gần nhà mua mấy xị rượu về lai rai. Hơn 9h tối, thấy Danh đến kêu cửa mua rượu, chủ tiệm đốt cây nhang, cắm cách nơi Danh đứng chừng 15m rồi bảo “thử bắn rớt tim nhang nhưng không để cây nhang bị đổ, bắn trúng tao mới bán rượu”.
Ông chủ tiệm thuật lại: “Nó nhe răng cười nói “em biểu diễn anh coi chơi thôi”. Nói xong, nó pha đèn pin về hướng cây nhang vung một đường đạn cái vèo mất tiêu cái tim nhang. Không tin vào mắt mình nữa, tôi dụi dụi mắt mấy cái liền, đến coi tỏ ý không tin, nói “lâu lâu mày hên một lần, ngon làm lại tao coi, trúng tao biếu rượu luôn”.
Lần này tôi chơi ác nó, cố tình ghim cây nhang nhẹ nhàng xuống mặt đất, chỉ cần gió hơi mạnh là đổ. Cũng khoảng cách đó, nó vung liền đường đạn thứ hai. Y như lần bắn đầu, cây nhang vẫn đứng sừng sững nhưng cái tim thì bay đâu mất tiêu. Quê quá, tôi bảo nó về trước, lát tôi mang rượu lại đãi, thưởng thêm một lít nữa”.
Kiếm com nhờ nghề bắn chuột nuôi trăn
Những tưởng cái tài bắn nạng thun này giúp Danh Chưởng mau chóng làm giàu nhờ bắt được nhiều chim, cò… Nhưng không, đến nay gia đình Danh vẫn là hộ nghèo của ấp. Bí thư chi bộ ấp Kim Đứng B, ông Danh Mạnh Huynh cho biết: “Xưa nó bắn cò nấu cháo đãi anh em chòm xóm hoặc cho anh em ăn lấy thảo chứ ít khi nào thấy nó mang chim cò đi bán. Nhưng từ khi Nhà nước có chủ trương cấm săn bắt động vật hoang dã, nó bỏ nghề bắn chim cò sang bắn chuột để nuôi trăn”.
Đến nhà, Danh cho tôi xem sáu con trăn gấm đang nuôi nhốt. Nhờ bắn được nhiều chuột nên trăn của anh mau lớn. Chưa đầy một năm mà bầy trăn của Chưởng mỗi con trên bảy kí lô. Gần tám năm qua, trăn là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Những lúc cao điểm, anh bắn một đêm cả gần trăm con chuột, có cả chuột cống nhum. Cho bầy trăn ăn không hết thì anh đem ra chợ bán kiếm tiền mua gạo.
Người dân ở Kinh Đứng B kể khá nhiều chuyện khôi hài về tài nghệ bắn nạng thun của Danh nhưng nghe qua, tôi còn bán tín bán nghi. Trước lúc chia tay, tôi nhờ anh biểu diễn một lần để tôi được tận mắt chứng kiến. Anh dẫn tôi ra sau ao nhà, dưới mặt ao cách nơi đứng chừng 13m có cây sào tre cắm dưới ao, đầu sào nhô lên mặt nước nhỏ bằng ngón tay cái.
Danh bảo sẽ vung nạng thun bắn khúc tre nhô đầu ấy để tôi xem. Lấy cục đất vo tròn, anh kê vào nạng thun, chẳng cần nheo mắt mà kéo giãn thun đánh vèo. Cục đất dính trúng vào đầu cây tre, mặt nước rung rinh.
Hồ Ngọc Long/Pháp luật & đời sống

3CANG sưu tầm
08/12/2011