Từ đầu tháng đến nay 30/8, có hai
sự kiện về giới tính đã diễn ra ở nước ta. Đó là cuộc tuần hành bằng xe đạp tại Hà Nội
ngày 5/8/2012 của đại diện những người đồng tính cả nước “Vì một thế giới không phân biệt giới
tính”. Sự kiện thứ hai là Hội thảo trình bày kết quả
nghiên cứu đầu tiên về cộng đồng chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam với khẩu
hiệu “Khát vọng được là chính mình” vừa được tổ chức ngày hôm qua 29/8 cũng tại
Hà Nội.
Những giọt nước mặt của những nỗi niềm tủi
phận đồng tính ở Viêt Nam.
Cũng đồng cảnh ngộ, nhưng những người ở Thái
Lan, ở châu Ấ thì sao?
Nghị định số 88/2008/NĐ-CP
về xác định lại giới tính, ban hành từ ngày 5/8/2008 nhưng có lẽ ít người biết
tới. Dù chưa phải là Luật nhưng nó cũng tạo ra bước đầu hành lang pháp lý để
bảo đảm quyền được sống theo giới tính của công dân (tuy quyền này trong Hiến
pháp 1992 không đề cập). Và ở xã hội Việt Nam việc kỳ thị, thậm chí đối xử tồi tệ với người có
khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc có giới tính chưa được định hình chính
xác cũng bước đầu đã có giảm dần. Đó là điều đáng mừng.
Mời các bạn xem một số bài
viết để hiểu rõ thêm.
Người chuyển
giới sẵn sàng chết để một lần là chính mình
“Em biết tiêm silicon lỏng vào người rất nguy hiểm, có
thể tử vong ngay lập tức nếu không may xảy ra biến chứng. Em biết dùng hoóc-môn
liên tục sẽ cực kỳ nguy hại cho sức khỏe… nhưng em chấp nhận…”
Em
khao khát trở thành nữ giới, nên dù có chết nhưng chết ở hình hài của một cô
gái, em cũng sẵn lòng”… Lời sẻ chia của Cát Thy - một chàng trai đã chuyển giới
thành con gái tại hội thảo “Khát vọng được là chính mình” diễn ra sáng 29/8 tại
Hà Nội khiến nhiều người nghe không thể cầm lòng.
Chết
cũng sẵn lòng...
Hành
trình di chuyển của Cát Thy và Aki Trần (chuyển giới nữ thành nam) từ TP Hồ Chí
Minh ra Hà Nội tham dự buổi hội thảo này cũng cực kỳ vất vả. Hai bạn không thể
đi máy bay bởi trên chứng minh thư nhân dân của hai bạn có cái tên đối lập hoàn
toàn với hình dáng bên ngoài mà hai bạn đang thể hiện. Cuối cùng, các bạn phải
di chuyển bằng tàu hỏa.
Cát Thy chia sẻ về khát vọng trở thành một cô gái. Ảnh: T.Anh
Cát
Thy tâm sự, tuy hình thể trước đó là một chàng trai cao to, lực lưỡng nhưng
trong thâm tâm, Thy luôn nghĩ mình là một cô gái, luôn ao ước được mặc đồ nữ
giới, được thể hiện những điệu bộ, cử chỉ của nữ giới. Chính vì điều này mà Cát
Thy gặp không ít rắc rối, kỳ thị từ chính gia đình và những người xung quanh
mình.
“Bị
gọi là con pê đê, tủi nhục lắm, nhưng khát khao trở thành một cô gái vẫn vượt
lên nỗi tủi nhục đó. Vì thế, mình đã tìm hiểu liệu pháp điều trị hoc môn, tiêm
silicon tạo ngực… Dù trước khi tiêm mình cũng đã biết nhiều người chết vì
silicon, mình vẫn không thấy điều đó là quan trọng. Bởi trong mình chỉ có một
ước muốn trở thành nữ giới, dù có chết nhưng chết trong hình hài của một người
con gái vẫn vui, vẫn hạnh phúc”, Cát Thy tâm sự.
Chia
sẻ tại hội thảo, Ngọc Ly (một người chuyển giới nam sang nữ ở Hà Nội) không cầm
được nước mắt khi nghĩ đến những tủi nhục vì bị bạn bè dè bỉu, cô thầy xa lánh.
“Mọi
chuyện bắt đầu từ năm lớp 10 khi em tham gia một cuộc thi sắc đẹp cho người
chuyển giới. Tấm hình em trong cuộc thi đó không hiểu sao một bạn cùng lớp lại
tìm thấy trên mạng. Từ đó là chuỗi ngày bi kịch bởi các bạn bè ở lớp không
ngừng dè bỉu, kỳ thị em. Giờ ra chơi nào sách vở, cặp sách của em cũng bị dội
nước ướt sũng. Em báo cô chủ nhiệm nhưng cô cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Hành
động kỳ thị lên đến đỉnh điểm khi em liên tục bị 5 - 7 bạn trai trong lớp
đánh hội đồng. Nỗi đau về thể xác không nhiều nhưng em sống trong sự ức chế tột
độ. Hậu quả cuối cùng, sau gần 3 tuần liên tiếp bị kỳ thị như vậy, em đã bỏ
học…”, Ngọc Ly kể.
Việc
nghỉ học của Ngọc Ly nhanh chóng được báo cáo về gia đình. Khi bố mẹ Ngọc Ly
đến nhà trường, biết sự thật về con mình, họ đã vô cùng bẽ bàng và họ mang sự
bẽ bàng đó trút vào con.
“Bố
mẹ đánh, mắng em nhiều hơn, xúc phạm em, nói em là đồ biến thái, không phải
giống người. Lúc đó em chỉ nói một câu, xin bố mẹ đừng nói con như vậy, mọi
người có thể nói con thế nào cũng được, từ bệnh hoạn, biến thái, chỉ xin bố mẹ
đừng nói vậy”, Ngọc Ly vỡ òa tiếng khóc vì không kìm được cảm xúc.
Theo
TS Phạm Quỳnh Phương, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE),
hoàn cảnh như hai bạn trẻ trên không phải là hiếm gặp. Bởi những người chuyển
giới có một khát vọng tột độ được sống thật với giới tính mong muốn của mình,
bất chấp cơ thể sinh học của họ hoàn toàn trái ngược với giới tính đó.
Một
nghiên cứu do iSEE thực hiện trong hai tháng 6 - 7/2012 trên 34 người
chuyển giới cho thấy, tất cả họ đều khao khát, mong muốn được mọi người nhìn
nhận họ đúng giới tính họ mong muốn. Trong đó, có 7 người chuyển giới từ nam
sang nữ sử dụng các liệu pháp hoc môn, 5 người có phẫu thuật ngực, chỉ có một
người phẫu thuật bộ phận sinh dục. Đối tượng này cũng bị kỳ thị mạnh mẽ hơn bởi
họ bị dễ dàng nhận thấy, không như nhóm đối tượng từ nữ sang nam dễ được chấp
nhận bởi nhiều người lầm tưởng đó chỉ là những người con gái cá tính, thích
kiểu thời trang cá tính.
“Em
muốn được phẫu thuật rồi em sống một giờ thôi em cũng chịu, chỉ cần chết trong
thân xác của người phụ nữ”. Vì mong muốn đó, họ vượt qua được những kỳ thị từ
chính gia đình mình. “Lúc đầu gia đình chửi dữ lắm, nói mày là bệnh hoạn, mày
không phải con tai, đuổi em ra đường và em không biết mình phải đi đâu”… “Ra
đường, em gặp mẹ mà mẹ không dám nhận… Lúc đó rất buồn và nghĩ đến tự tử”, một
nam chuyển sang nữ, 25 tuổi ở TP Hồ Chí Minh tâm sự.
Buộc
làm nghề tủi nhục để kiếm sống
Bị
kỳ thị, bắt cắt tóc, bắt mặc đồ con trai, trói tay chân, đánh đập, bị đuổi khỏi
gia đình, nhiều người chuyển giới trở thành người lang thang không nghề không
nghiệp.
“Gia
đình sử dụng bạo lực, từ chối chấp nhận con cái khiến họ trở nên trầm cảm, phải
bỏ nhà đi bụi. Nhất là với bạn nam chuyển thành nữ, nhiều người áp lực đến nỗi
ban ngày thì ngủ vùi ở nhà, đến đêm mới trang điểm, ra người gặp gỡ người cùng
giới, làm gái”, thạc sỹ Phương nói.
Hội thảo lần đầu tiên công bố nghiên cứu về người chuyển giới ở VN. Ảnh:
T.Anh
Bà
Phương cho biết thêm, một “nghề” rất đặc trưng của những người này tại phía
nam, đó là đi hát tạp kỹ đám ma để kiếm sống. Nhiều người trong số này đã được
phỏng vấn, họ nói rất tủi nhục. “Có lần hát xong chỉ xin họ 20.000 mà họ bắt
quỳ xuống lạy. Khi mình không chịu, họ chửi vào mặt mình, dù sao mày cũng chỉ
là con pê đê chó thôi, cho 20 ngàn là sướng lắm rồi”, một người cùng cảnh tâm
sự.
“Chúng
em, những người chuyển giới rất khó công ăn việc làm, đi lang thang trong khi
vẫn cần phải kiếm sống. Đó là lý do họ phải làm cái nghề mà bị mạt thị, tủi
nhục như hát đám ma, làm gái. Người chuyển giới không bao giờ muốn điều đó, họ
vẫn muốn được tiếp tục đi học, làm cô giáo, thầy giáo, là viên chức bình thường
vừa để nuôi sống họ, vừa để đóng góp cho xã hội, nhưng điều đó là vô cùng khó
khăn”, Cát Thy tâm sự.
Ông
Lê Quang Bình (iSEE), khát vọng được là chính mình của người chuyển giới là
chặng đường khó khăn bởi đến nay, chưa có một sân chơi nào cho người chuyển
giới, họ luôn phải dấu mình, hoạt động trên các diễn đàn mạng của người đồng
tính.
Những
người chuyển giới không chỉ bị kỳ thị phân biệt đối xử mà còn vô cùng khó khăn
trong cơ hội việc làm, từ đó càng khiến họ dễ trầm cảm, rạch tay, tự tử, đi tu,
lãnh cảm, chai lỳ với sự kỳ thị của xã hội và sống ngày càng khép mình hơn.
Những
người chuyển giới sợ đi đường vi phạm luật giao thông, sợ đi xe bus, sợ nhà vệ
sinh công cộng… bởi đó là những nơi họ dễ bị soi về giới tính của mình. Họ
không được đổi tên và xác định lại giới tính. Họ không được cung cấp những
thông tin về vấn đề sức khỏe liên quan…Tất cả những điều đó đem lại nhiều rủi
ro cho người chuyển giới. Nếu có thêm nhiều sự kết nối cộng đồng, tạo cơ hội
việc làm, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ y tế… thì sự kỳ thị về người chuyển giới sẽ
giảm hơn. Nếu kỳ thị được bỏ, người chuyển giới có thể học cao hơn, tham gia
nhiều ngành nghề trong xã hội, là những người có năng lực nuôi sống chình bản
thân mình, giúp ích cho xã hội và không còn phải nhắm mắt đưa chân vào những
nghề nguy hại cho xã hội cũng như chính sự tủi nhục của bản thân họ.
Hồng Hải - dantri.com.vn
'Cô gái' xinh đẹp xót xa kể
chuyện chuyển giới
Cát
Thy khá xinh đẹp, em có mái tóc dài, đôi mắt to, chiếc mũi thanh tú nhưng không
ai ngờ em là người chuyển giới. Câu chuyện em kể khiến người nghe không khỏi
xót xa.
Từ
một chàng trai trở thành cô gái thế nào?
Gặp
Cát Thy, ấn tượng đầu tiên của tôi về em là một cô gái xinh đẹp. Cát Thy có
dáng người gọn, cao ráo. Khuôn mặt em dù không trang điểm nhưng cũng có vẻ hấp
dẫn với đôi mắt to đen, mũi thanh tú. Chỉ đến khi được giới thiệu và em cất
tiếng nói, tôi mới giật mình. Em vốn là đàn ông.
Hôm nay (29/8), Trung tâm
làm về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (ICS) vừa tổ chức
hội thảo “Khát vọng được là chính mình”.
Nội dung trao đổi về
người chuyển giới. Hội thảo trình bày kết quả nghiên cứu đầu tiên về cộng
đồng chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và
Môi trường (iSEE) thực hiện. Tới dự, hội thảo còn có đại diện của Bộ Tư pháp
và Văn phòng Quốc hội.
Chuyển giới dùng để chỉ
những người có cảm nhân bên trong của một người về việc họ là nam hay nữ khác
với hành vi, quần áo, kiểu tóc, giọng nói, hay các đặc điểm trên cơ thể người
đó.
|
Em
kể, em sinh năm 1991 ở TP. HCM, từ bé, dù mang thân hình của con trai, nhưng em
luôn khát khao được trở thành một người con gái. Ở nơi em sống, em phải giữ
mình như một thằng con trai dù trái tim, tâm hồn của một cô gái vẫn vẫy vùng
trong em.
Tuy
nhiên, thái độ, cử chỉ của em, ánh mắt em vẫn khiến không ít người chê bai bảo:
“Mày là con trai sao cư xử như con gái vậy?”
Trước
đây, em vẫn ăn mặc quần áo con trai, em từng làm những công việc nặng như thợ
hồ, sửa xe, rồi làm thợ may túi xách.
Năm
17 tuổi, áp lực xì xào từ hàng xóm, gia đình đè nặng, hơn nữa, mong muốn trở
thành một cô gái ngày càng dữ dội, em quyết định thay đổi và quyết tâm thực
hiện mong muốn đó.
Cát
Thy bỏ nhà ra đi xuống các tỉnh miền Tây và đi hát.
Thy
nói: “Em phải mặc đồ con gái, và cư xử như một người con gái. Nếu mặc đồ con
trai, em thấy bứt rứt lắm. Để biến mình thành con gái, em phải tiêm
silicone vào ngực. Em phải chịu đau đớn mỗi khi mũi tiêm bơm silicone”.
Nhiều
người nói với em: “Cưng mà tiêm silicone thì cưng sẽ chết”. Nhưng với em, điều
đó không quan trọng. Nếu chết, em vẫn vui dù cuộc sống của mình kết thúc.
Mỗi
mũi kim như xé toang ngực em, em phải cắn răng vào gối chịu đựng nhưng em vẫn
thấy hạnh phúc…”
Lúc
Thy kể chuyện, tôi không thể không nghe. Dù giọng em hơi khàn khàn kiểu con
trai nhưng lúc nó trầm, nó bổng, nhấn nhá. Em kể nhưng đôi tay cũng động đậy,
đôi mắt lúng liếng lắm.
Thy
bảo, “nếu sang Thái Lan làm ngực thì chi phí khoảng 40 – 50 triệu đồng, làm
ngực tại Việt Nam khoảng 30 triệu đồng nhưng với người hát thuê ở đám ma như em
thì bao giờ mới có số tiền ấy hả chị?”
“Nên
em đành chọn giải pháp tự mua silicone, tự mua kim tiêm và bạn cùng chuyển giới
như em tiêm hộ. Còn nhiều chi tiết đau đớn lắm, nếu kể tiếp chắc nhiều người sẽ
rơi lệ…”
Để
có vóc dáng nữ giới hơn, Thy đã phải tiêm cả hormone nữ. Giá 150 ngàn đồng/cặp
lọ hormone. Hormone này theo Thy kể, chị chuyển giới mua về từ Thái Lan và bán
lại, em cũng không rõ nguồn gốc thế nào, tiêm vào em biết rất có hại nhưng vẫn
làm.
Nếu
ra ngoài tiêm, thì phải có toa thuốc mới được tiêm, nhưng bọn em thì làm gì có
toa thuốc. “Đã là con pê đê rồi thì không còn quan trọng nữa” - đau xót Thy
nói.
Thế
là Thy mua hormone, mua kim về tự tiêm dù biết có thể bị liệt, teo cơ, xương
khô, ảnh hưởng thần kinh… Theo em biết thì hormone này chỉ được tiêm 10 ngày 1
lần nhưng có đứa 5 – 7 ngày đã tiêm vì muốn xóa bỏ hình ảnh người đàn ông hiện
hữu trong mình.
“Em
vẫn chấp nhận làm dù biết em có thể giảm tuổi thọ 10 năm hay 20 năm. Em quyết
tâm làm và chấp nhận dù nhắm mắt trong sự đau khổ”.
Bị
hành hạ, xâm phạm
Sau
khi lang bạt về các tỉnh miền Tây, Thy phải đi hát ở các đám ma. Em còn biết
làm gì hơn, khi tiêm hormone, người em không còn khỏe như trước.
Trong
người em không một giấy tờ tùy thân, mà có cũng khó xin việc vô cùng vì trong
khai sinh tên của em vốn rất con trai mà em lại có một cơ thể, một khuôn mặt
con gái.
|
Thy
bảo: “Em có đi làm gì thì cũng chả ai ký hợp đồng với em, đến đi làm phụ thợ
may mà em chỉ được lương 1 triệu đồng mỗi tháng nhưng nếu không làm thì em biết
làm gì, nên đành phải làm.
Nếu
đi hát, mỗi lần chỉ được vài chục ngàn đồng. Em không muốn mình phải lang thang
đây đó, đứng giữa những người xa lạ, ca hát ở đám ma thậm chí bị lạm dụng tình
dục, bị xâm phạm.
Em
chỉ muốn là một viên chức bình thường, là một con người bình thường mà sao khó
quá.
Em
chỉ ước muốn chính quyền công nhận em là một người bình thường, em muốn đóng
góp cho xã hội. Vậy mà có người vẫn nhìn bọn em đầy miệt thì: “Ôi, đẹp quá à,
cưng là pê đê? Pê đê thấy ghê”, rồi nhiều lời miệt thị khủng khiếp khác nữa”.
Có
lần em đi hát, em còn bị người ta bóp ngực, mà ngực tiêm toàn silicone nên đau
lắm. Thậm chí em còn bị xé áo, xé quần chỉ vì vài chục ngàn họ bo cho em.
“Bọn
em đi kiếm tiền bằng mồ hôi công sức chứ đâu phải bọn em mượn danh, nam giả nữ
để dễ kiếm tiền? Bọn em không thuộc dạng đó”.
Thy
tâm sự, hiện em đã có bạn trai, bạn trai em là con trai xịn đó. Em sống với bạn
trai em 2 năm nay. Nếu xã hội chấp nhận, bọn em sẽ kết hôn và kiếm tiền làm đám
cưới.
“Em
cũng khát khao được phẫu thuật cho trọn vẹn, nhưng chi phí gần 200 triệu đồng,
phải an dưỡng 4- 6 tháng mới lành. Nhưng đó chỉ là ước nguyện thôi chị ơi…”
Tạm
biệt Thy để đêm nay, Thy lại đi tàu vào TP. HCM, em đi rồi nhưng ánh mắt ấy vẫn
ám ảnh tôi. Giờ tôi mới phần nào hiểu nỗi đau khổ, khát khao được làm người
bình thường của những người chuyển giới.
Bài, ảnh:
Nguyễn Tâm - vtc.vn
Diễu hành ủng hộ không phân biệt giới tính
Sáng 5- 8, hàng
trăm người thực hiện cuộc diễu hành bằng xe đạp tại Hà Nội với thông điệp “Vì
một thế giới không phân biệt giới tính” đã thu hút sự quan tâm của nhiều người
dân thủ đô.
Cuộc diễu hành
bắt đầu từ 8g sáng tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, sau đó đoàn đạp xe dọc
theo các tuyến đường như Cầu Giấy, Liễu Giai, Hoàng Hoa Thám và kết thúc tại
cổng công viên Bách Thảo.
Bạn Nguyễn Tuấn
Anh, sinh viên năm 3 trường Đại học kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Hoạt động đạp xe
ủng hộ người đồng tính hôm nay thực sự có ý nghĩa, thông qua hoạt động này mình
đã hiểu hơn về những người đồng tính”.
“Hoạt động này
không chỉ giúp người dân hiểu hơn về người đồng tính mà qua đó còn giúp nhiều
người nhận ra giá trị bản sắc của riêng mình” - Chị Phạm Thị Mai, người
dân tham gia hoạt động đạp xe nói.
Ngày hội không
chỉ thu hút các bạn trẻ Việt Nam mà còn thu hút đông đảo người nước ngoài tham
gia. Hoạt động đạp xe ủng hộ người đồng tính là tâm điểm trong chuỗi sự kiện
của chương trình Viet Pride 2012, thông qua đó khuyến khích mọi người hãy tự
hào với bản sắc của chính mình, tăng cường kết nối cộng đồng.
Các
bạn trẻ tập hợp tại công viên Bách Thảo và giơ cao những khẩu hiệu ủng hộ người
đồng tính. Ảnh: Việt Dũng
Với
khẩu hiệu “Khác biệt nhưng không phân biệt”, các bạn trẻ hào hứng tham gia
những hoạt động của chương trình Viet Pride 2012. Ảnh: Việt Dũng
Bất
chấp thời tiết nắng nóng của thủ đô, hoạt động vẫn thu hút đông đảo người dân
tham gia. Ảnh: Việt Dũng
Nhiều
người nước ngoài cũng tích cực tham gia cùng với các bạn trẻ Việt. Ảnh: Việt
Dũng
Tranh
thủ thời gian nghỉ chân, nhiền bạn đã kịp ghi lại bức hình cho riêng mình. Ảnh:
Việt Dũng
Tiến Thắng - tuoitre.vn
5 người đẹp chuyển giới hấp dẫn và gợi tình nhất châu Á
Khi
ngắm vẻ yêu kiều, gợi cảm, duyên dáng đầy nữ tính của Harisu, Nong Poy,… ít ai
có thể ngờ rằng, trước đây họ từng phải sống trong hình hài của những người đàn
ông thực thụ. Quả thật, có nhiều nhan sắc chuyển giới đã khiến phái mày râu
phải choáng váng bởi vẻ đẹp sexy và nữ tính đến mê hồn.
Cùng
điểm qua những gương mặt chuyển giới được đánh giá là xinh đẹp, tài năng và hấp
dẫn nhất showbiz châu Á hiện nay.
1. Nong Poy (Thái Lan)
Sinh
năm 1985, sở hữu chiều cao lý tưởng 1m71 cộng với gương mặt đẹp hoàn hảo và
thân hình bốc lửa với các số đo chuẩn, siêu mẫu chuyển giới “hot” nhất xứ Chùa
Vàng Nong Poy đã khiến vô khối cánh đàn ông phải mê đắm, còn các chị em phải
ngưỡng mộ và ghen tỵ.
Rũ
bỏ hình hài của một cậu con trai từ năm 17 tuổi, hai năm sau (năm 2004), Nong
Poy đã gây dựng được tên tuổi của mình nhờ nhan sắc mặn mòi khi giành cả 2 danh
hiệu cao nhất từ cuộc thi Hoa hậu chuyển giới “Miss Tiffany” của Thái Lan và
“Miss International Queen” – một cuộc thi sắc đẹp dành cho những “người đẹp”
chuyển giới đến từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Hai
giải thưởng đó đã tạo đà cho Nong Poy bước chân vào thế giới giải trí của Thái
Lan. Hiện cô đang là diễn viên, người mẫu và MC có tiếng của đất nước này.
Nong
Poy tâm sự, cô không bao giờ cảm thấy hối tiếc khi từ bỏ vỏ bọc của một người
đàn ông để được sống đúng với bản chất con người của mình. “Khi còn nhỏ, tôi
luôn nghĩ mình là con gái và ước mơ trở thành một cô gái. Nhưng đứng trước mặt
cha mẹ, tôi luôn cố gắng “đóng kịch” là một cậu con trai. Tôi cảm thấy thật khó
chịu khi cứ phải đóng kịch mãi như vậy, vì thế tôi quyết định chuyển giới ở
tuổi 17. Đó là một trong những quyết định dũng cảm nhất trong cuộc đời tôi và
tôi cảm thấy như mình được tái sinh sau ca phẫu thuật đó”.
2. Harisu (Hàn Quốc)
Nhắc
đến Harisu, hẳn những ai quan tâm đến làng nghệ K-biz đều không thể không biết
bởi cô là một nghệ sỹ chuyển giới xinh đẹp và thành công bậc nhất Hàn Quốc.
Sinh năm 1975, Harisu tên thật là Lee Kyung Yeop. Ngay từ nhỏ cô đã luôn cảm
thấy mình là một cô gái dù ngoại hình hoàn toàn là một cậu con trai. Năm 23
tuổi, Harisu quyết định nhờ bác sĩ phẫu thuật để tìm lại bản năng của chính
mình và cô đã thành công.
“Đám
cưới này chính là dấu mốc ghi nhận tôi là người đàn bà đích thực và trọn vẹn.
Tôi hiểu, rất nhiều người trong xã hội không chấp nhận cuộc hôn nhân của chúng
tôi, nhưng với tôi điều đó không quan trọng”, Harisu phát biểu.
Hiện
nay, ngoài đóng phim, ca hát, làm người mẫu và viết sách, Harisu còn là bà chủ
của một hộp đêm dành riêng cho người chuyển giới có tên gọi Mix-Trans Club. Đây
là một nơi vui chơi dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người chuyển
đổi giới tính “nuôi” mộng trở thành ngôi sao.
Haisu
cho biết, ý tưởng thành lập câu lạc bộ này xuất phát từ việc cô quá đau lòng
khi phải chứng kiến nữ diễn viên chuyển giới Jang Chae Won và nam diễn viên
đồng tính Kim Ji Hoo tự vẫn do cô đơn và không chịu nổi sức ép của dư luận.
Harisu nói: “Hi vọng rằng, sẽ không còn bất kỳ vụ tự vẫn nào nữa. Tôi rất đau lòng
khi nhận được tin các bạn bè đồng nghiệp của tôi tự tìm tới cái chết. Do vậy,
tôi quyết định xây dựng một nơi thật đẹp để mọi người có thể tìm tới đó tụ tập,
vui chơi, giải tỏa những áp lực và đau khổ”.
Năm
2007, hạnh phúc đã đến khi cô kết hôn với một người chồng rất mực yêu thương
mình – ca sĩ nhạc Rap Miky Jung kém cô tới 6 tuổi. Hiện cả hai đang có ý định
xin một đứa con nuôi để làm hoàn hảo thêm tổ ấm của mình.
3. Sirapassorn Atthayakorn
Sở
hữu vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính và một thân hình nuột nà, “cô gái” 21 tuổi
Sirapassorn Atthayakorn đã đánh bại nhiều đối thủ đáng gờm để vươn lên giành vị
trí số 1 trong cuộc thi Miss International 2010.
Một
năm sau đó, khoảnh khắc gợi cảm và hấp dẫn của Sirapassorn Atthayakorn lại một
lần nữa chinh phục được tất cả các giám khảo và vì thế, cô đã được cấp 10.000
USD và nhiều giải thưởng khác cùng với chiếc vương miện Nữ hoàng chuyển giới
quốc tế (Miss International Queen 2011 được tổ chức tại Pattaya, Thái Lan).
4. Lưu Thi Hàm (Đài Loan)
Khi
chiêm ngưỡng dung nhan quyến rũ của Lưu Thi Hàm, ít ai có thể tưởng tượng được
trước kia người đẹp này lại từng là một “đực rựa” chính cống. Với làn da trắng
mịn màng không tì vết, một đôi mắt biết nói cùng những đường cong quyến rũ, Lưu
Thi Hàm đã khiến bao fan hâm mộ nam say đắm và “mất ăn mất ngủ” khi đối diện
nét đẹp rất nữ tính, rất gợi cảm của mình.
Vậy
mà cách đây hai năm (năm 2010), cô diễn viên kiêm người mẫu nổi tiếng này đã
gây chấn động làng giải trí Trung Quốc khi dũng cảm công khai rằng trước kia,
mình đã từng là một đấng nam nhi. Và để minh chứng cho tiết lộ gây sốc của
mình, Lưu Thi Hàm không ngần ngại công khai bức ảnh chụp cô khi chưa chuyển
giới của mình trên blog. Cùng với đó, Thi Hàm khẳng định, cô chưa bao giờ hối
hận về quyết định dám sống thực với bản thân của mình năm 18 tuổi.
Sau
sự kiện gây chấn động khi hé mở về thân phận thật của mình, Lưu Thi Hàm cũng đã
phải chịu rất nhiều áp lực, tuy nhiên, giờ đây, cô đã nhận được sự đồng cảm của
xã hội và đang trở thành một trong những nghệ sỹ đa năng được yêu thích ở Đài
Loan. Hiện giờ cô đảm nhận rất nhiều vai trò, từ diễn viên truyền hình, người
mẫu ảnh cho đến phóng viên ảnh thời trang.
5. Nguỵ Vũ Kỳ
Vốn
là cái tên gây nhiều chú ý bởi phong cách ăn mặc sexy và táo bạo cùng hàng loạt
scandal gây sốc, nhưng Nguỵ Vũ Kỳ còn khiến cho tên tuổi mình được biết đến
nhiều hơn khi cô nàng công khai thừa nhận một sự thật gây choáng váng rằng
trước kia cô cũng từng là một nam nhi chính hiệu.
Tham
dự buổi họp báo ra mắt bộ phim Xuân Kiều và Chí Minh hôm 30/3/2012, người đẹp
dao kéo đã khiến tất cả quan khách bất ngờ khi chia sẻ rằng, trước khi trở
thành một người phụ nữ duyên dáng và xinh đẹp như hiện nay, cô đã từng nhiều
năm liền phải sống trong ngoại hình của một người đàn ông.
Trước
đó, tại một show thời trang áo cưới cao cấp diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, Vũ Kỳ
từng úp mở rằng cô “mang trong mình hai giới tính”, đồng thời tự vạch áo công
khai vòng 1 nhân tạo cũng như tiết lộ toàn bộ quá trình nâng ngực của mình với
lý do “muốn tăng kích cỡ vòng một để “trở nên quyến rũ và lấy lòng bạn trai”.
Huệ Mẫn tổng hợp - vnmedia.vn
Nghị định số 88/2008/NĐ-CP về xác định lại
giới tính, ban hành ngày 5/8/2008.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được
hiểu như sau:
1. Khuyết tật bẩm sinh về giới
tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của
một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng
giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật;
2. Giới tính chưa được định
hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được
một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính;
3. Gen biệt hóa tinh hoàn là gen mã hóa yếu tố xác định
tinh hoàn nằm trên nhánh gắn của nhiễm sắc thể Y mà nếu xét nghiệm cho kết quả
dương tính thì đó chính là yếu tố của sự phát triển, hình thành tinh hoàn có
biểu hiện cho nam giới.
1. Bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới
tính của mình.
4. Phân biệt đối xử đối với người đã xác định
lại giới tính.
Giấy chứng nhận y tế quy định tại khoản 1
Điều 10 Nghị định này là căn cứ để đăng ký hộ tịch cho người đã được xác định
lại giới tính.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm giải quyết việc
đăng ký hộ tịch cho người đã được xác định lại giới tính theo quy định của pháp
luật về đăng ký hộ tịch.
An
Bường tổng
hợp và giới thiệu
Xem thêm