Trang

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

PHỤ NỮ BẮC KỲ THIẾU VITAMIN D!


Xin giới thiệu một bài viết mới của GS Nguyễn Văn Tuấn.
Phụ nữ Bắc kì thiếu vitamin D!              
Mấy hôm nay không có dịp cập nhật website, và hôm nay có dịp tái ngộ, nên chắc cũng cần vài dòng giải thích. Hai tuần qua, website bị đánh phá nặng nề, có lúc phải đóng cửa.
Lại có lúc mở cửa thì bị đánh tiếp, và server yêu cầu mình phải có kế hoạch khắc phục, nên lại phải tự nguyện đóng cửa để sửa chữa. Một phần khác là do tôi đi công tác xa liên miên, nên không có thì giờ cập nhật thông tin trên website, dù trong thời gian qua có rất nhiều chuyện thời sự muốn nói. Thôi thì hôm nay, nhân dịp website khởi động trở lại, tôi muốn tự quảng cáo một nghiên cứu mới công bố của nhóm chúng tôi …
Nói cho ngay, tôi rất muốn chia sẻ nhiều nghiên cứu mà chúng tôi đang hay đã làm. Nhưng một phần là do sự phức tạp của nghiên cứu và chủ đề có vẻ chuyên sâu nên tôi không đem ra “khoe”. Tôi chỉ thỉnh thoảng (chỉ “thỉnh thoảng” thôi) đem ra khoe những công trình mà tôi nghĩ ai đọc cũng hiểu được. Lần này, đó là công trình về vitamin D ở miền Bắc Việt Nam. Bài này là một phần trong luận án tiến sĩ y khoa của Bs Nguyễn Thị Thanh Hương, mới bảo vệ xong ở Viện Karolinska bên Thụy Điển (nơi phát giải Nobel y sinh học). Đây cũng là công trình số 4 về vitamin D ở Việt Nam mà tôi đã theo đuổi trong thời gian trên dưới 3 năm qua.
Tại sao miền Bắc? Tại vì chúng tôi đã làm xong một công trình về vitamin D ở Sài Gòn (xem bài trước đây [2010] trên Osteoporosis International), và vì chúng tôi đặt giả thuyết rằng do khí hậu nên phụ nữ phía Bắc thiếu vitamin D nhiều hơn phụ nữ phía Nam. Trong công trình nghiên cứu ở Sài Gòn, chúng tôi phân tích 25(OH)D trên 205 nam và 432 nữ, và thấy 20% nam và 46% nữ thiếu vitamin D. Nhưng ở miền Bắc thì vẫn chưa có công trình nào để biết qui mô thiếu vitamin D là bao nhiêu. Đó là lí do chính chúng tôi thực hiện nghiên cứu này ở miền Bắc.
Trong nghiên cứu ở phía Bắc, chúng tôi phân tích 25(OH)D trên 222 nam và 269 nữ tuổi từ 13 đến 83. Chúng tôi chọn đối tượng nghiên cứu từ hai nơi đại diện cho thành thị và nông thôn: đó là Đống Đa ở Hà Nội (nơi vua Quang Trung từng dạy và chôn đám quân Tàu ô kha khá) và Kim Bảng ở Hà Nam. Kết quả rất thú vị và có thể tóm lược như sau:
  • Tính chung, 77% nữ và 58% nam thiếu vitamin D (insufficiency). Tỉ lệ này rất cao so với Sài Gòn;
  • Trong đó, 30% nữ và 16% nam thiếu vitamin D nặng (deficiency);
  • Phụ nữ ở độ tuổi dưới 20 thiếu vitamin D nhiều nhất: 83% thiếu vitamin D, và 60% thiếu vitamin D nặng;
  • Người ở thành phố thiếu vitamin D hơn người ở nông thôn (nam: 81% so với 56%; nữ: 90% so với 84%); và
  • Mùa đông là mùa thiếu vitamin D nhiều nhất.


Thiếu vitamin D có ảnh hưởng bất lợi đến rất nhiều bệnh, kể cả ung thư, tim mạch, tiểu đường, loãng xương, truyền nhiễm, v.v. Ở người cao tuổi, người thiếu vitamin D thường có nguy cơ tử vong cao hơn người có đủ vitamin D. Do đó, tình trạng thiếu vitamin D ở miền Bắc Việt Nam quả thật là điều đáng quan tâm. Có thể nói không ngoa rằng thiếu vitamin D ở miền Bắc là một vấn nạn y tế công cộng.
Một phụ nữ Hà Nội trùm kín mặt (nguồn: báo GDVN)
Tại sao có quá nhiều phụ nữ trẻ miền Bắc thiếu vitamin D? Không ai biết lí do chính xác, nhưng có thể giải thích bằng vài giả thuyết. Thứ nhất là phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ Hà thành [tạm gọi là phụ nữ Bắc kì – này cô em bắc kì nho nhỏ], thích có làn da trắng. Vì thích có làn da trắng nên họ làm đủ mọi cách để tránh ánh nắng mặt trời, như mặc áo quần kín mít phủ trùm thân thể. Ngày nay, người ta còn có loại áo gọi là “thời trang” trùm kín mít từ chân, tay, đến mặt. Bởi vì phần lớn (90%) vitamin D hấp thu từ ánh nắng mặt trời, nên với thói quen này, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy đa số phụ nữ trẻ Bắc kì thiếu vitamin D.
Nhưng tại sao phụ nữ thích có làn da trắng? Trong khi trên thế giới, nhất là phụ nữ phương Tây, thích có làn da ngâm ngâm kiểu “bánh ích” thì phụ nữ Á châu và Việt Nam ta lại thích có làn da trắng! Hình như có lí do tâm lí đằng sau sự lựa chọn này. Từ lâu, đàn ông Việt Nam thích phụ nữ có làn da trắng. Làn da trắng, đối với không ít phụ nữ và xã hội nói chung, là thể hiện sự văn minh, là giai cấp có học (trí thức?), và nói chung là “dễ nhìn”. Một nghiên cứu xã hội ở Hồng Kông cho thấy phụ nữ có làn da trắng dễ xin việc làm, và khi có việc làm, họ dễ thăng tiến trong sự nghiệp. Có lẽ đó là những lí do giải thích tại sao phụ nữ Á châu và Việt Nam thích giữ làn da trắng.
Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó. Làn da trắng có thể “dễ nhìn”, nhưng nay chúng ta biết rằng đó cũng là biểu hiện của tình trạng thiếu vitamin D. Như đề cập trên, thiếu vitamin D có liên quan đến nhiều bệnh. Nếu các phụ nữ Bắc kì muốn duy trì làn da trắng để chấp nhận thiếu vitamin D thì đó là quan điểm cần xem xét lại. Mỗi ngày phơi nắng vài phút (trước 12 giờ trưa) để có làn da trắng nhưng mạnh khỏe có lẽ chẳng ảnh hưởng gì đến sự “dễ nhìn” mà còn là cách đảm bảo có đầy đủ hàm lượng vitamin D trong người.
Chú thích:
Công trình nghiên cứu về vitamin D ở Việt Nam mới đăng trên tập san Bone ngày 2/8/2012.
Nguyễn Văn Tuấn
(nguyenvantuan.net)