Trang

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Người Nga đầu tiên trên đất Việt Nam

Ảnh: Flickr.com
Đến đầu thế kỷ 20 đã có hàng trăm người Nga tới thăm Việt Nam. Thế nhưng ai là người đầu tiên đặt chân lên đất Việt? Theo những tư liệu hiện có hôm nay, thì vị khách Nga đầu tiên ấy tên là Konstantin Stanyukovich, - sử gia Matxcơva Maksim Syunnerberg cho biết.

“Konstantin Stanyukovich từ trần năm 1903, ở tuổi 60, khi đã nổi danh ở nước Nga như một nhà nghiên cứu văn học uyên thâm.
Còn trong thời tuổi trẻ, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Hàng hải, ông đã du hành vòng quanh thế giới trong suốt ba năm trên tàu biển”.
Năm 1863, Stanyukovich phục vụ trên chiến hạm “Abrek” có lộ trình đi qua xứ Nam Kỳ. Viên chỉ huy thủy đội Thái Bình Dương của Nga đã phái chàng thủy thủ trẻ đến Sài Gòn, để trong lúc chờ đợi một con tàu Nga khác là "Gaydamak", Konstantin có nhiệm vụ quan sát, mô tả chi tiết cảnh quan thành phố và tình trạng đội quân Pháp. "Gaydamak" cập vào cảng Sài Gòn sau đó một tháng.
“Stanyukovich đã hòan thành công việc được giao một cách xuất sắc, cung cấp tất cả những thông tin đáng chú ý lúc bấy giờ, - sử gia Maksim Syunnerberg nói tiếp -. Tháng Tám năm đó, chuyến đi vòng quanh địa cầu của chuẩn úy hải quân trẻ đã hoàn thành. Chỉ sáu tháng sau, trên tập san “Kỷ yếu hàng hải” – cơ quan ngôn luận của Hải quân Đế chế Nga - đã công bố tập ghi chép dày 120 trang của Stanyukovich nói về xứ Nam Kỳ thuộc Pháp. Sau đó, những ghi chép này cùng với các tiểu luận khác của Stanyukovich về chuyến du hành vòng quanh thế giới được xuất bản ở Saint-Peterburg trong một tập sách riêng,và nhiều lần tái bản, kể cả dưới thời xô-viết”.
Stanyukovich bắt đầu tập bút ký của mình bằng câu khá tiêu biểu: “Tôi buộc phải ở Nam Kỳ chính vào thời điểm mà sau khi đàn áp cuộc nổi dậy chống đối của những người dân Việt bất mãn, nhà cầm quyền Pháp đã viết những báo cáo lớn tiếng phô trương chiến tích của họ và tự hào khoe khoang về cuộc chinh phục Nam Kỳ vẻ vang". Ngay trong những từ này đã toát lên sự mỉa mai, cho thấy rõ ràng người sĩ quan Nga trẻ tuổi dành thiện cảm cho phía nào. Và ông đã không hề giấu diếm thái độ đó trong suốt tập ghi chép với chương đầu tiên dành nói về lịch sử cuộc xâm lăng của thực dân Pháp vào Việt Nam.
Stanyukovich viết về liên hệ của giám mục d’Adran (Bá Đa Lộc) với hoàng thân đào tẩu Nguyễn Ánh, sau này trở thành vua Gia Long; về việc vị giám mục đã khuyên nhủ như thế nào để thuyết phục hoàng thân thỉnh cầu sự giúp đỡ của vua Pháp Louis XVI. Vị hoàng đế này chính là người sau này bị chặt đầu trong cuộc Cách mạng tư sản Pháp. Tuy nhiên, 5 năm trước khi bị hành hình, vua Louis đã ký với Gia Long một Hiệp ước với lời văn do giám mục d’Adran soạn.
Trong tập ghi chép của mình, Stanyukovich đã trích dẫn văn bản Hiệp ước này, kèm theo chú thích là dù sao chăng nữa Gia Long vẫn không bao giờ tin tưởng vào sự vô tư bất vụ lợi của những người Pháp. Trước khi băng hà, nhà vua xứ Nam đã trối trăng lại cho người nối ngôi là vua Minh Mạng rằng: "Hãy yêu mến nước Pháp và người Pháp, nhưng chớ bao giờ giao cho họ chiếm hữu một mảnh đất nào”. Ở đây Stanyukovich chua lời bình: “Không thể không tán đồng rằng vua Gia Long quả thực là con người thông tuệ”.
Sau khi lên ngôi vua, - Stanyukovich viết tiếp, - Minh Mạng giữ thái độ hết sức tiêu cực với người Pháp. Năm 1825, hòang đế Minh Mạng từ chối tiếp sứ giả Pháp, người mang đến thông điệp của nhà vua Charles X. Vua Minh Mạng đã ban sắc chỉ, lệnh cho quần thần coi xét nghiêm mật các nhà truyền giáo Pháp, mà theo lời hoàng thượng, "là những người mang lại bất hòa, hiềm khích và sự tối tăm mờ ám vào đất nước”, rồi tiếp đó, vua ban lệnh mới, cấm đạo và truy nã giáo sĩ.
Stanyukovich nhắc đến những cuộc bách hại này cùng câu chuyện có sự tham gia của hạm tàu quân sự Mỹ. Tất nhiên, khi ấy Stanyukovich không thể tưởng tượng rằng lịch sử sẽ tiếp diễn đến đâu, còn chúng ta hôm nay có thể nói rằng những gì mà ông mô tả thuở xưa chính là bước đầu tiên trên con đường ngoại bang can thiệp vào công việc ở Việt Nam.
Năm 1845, dưới thời trị vì của vua Thiệu Trị, - Stanyukovich viết, - nhà truyền giáo Pháp đem chuyện bị chính quyền địa phương cản trở, than vãn với viên chỉ huy của hải đội Mỹ đang thả neo tại cảng Đà Nẵng. Người này liền mang theo 50 lính thủy hùng hổ lên bờ, chiếm dinh thống đốc, bắt viên quan cùng các chức sắc quan trọng làm tù binh đưa xuống tàu, ngang ngược tuyên chiến với người Việt Nam và phóng hỏa đốt cháy tất cả thuyền bè đang đậu trong bến cảng. Tiếp đó, chờ chán không thấy phản ứng chính thức từ triều đình, các thủy thủ quẳng các con tin lên bờ, - và như Stanyukovich mô tả -, "rất hãnh diện vì cuộc phiêu lưu, đám người Mỹ nhổ neo dong tàu đi”.
Còn chúng ta hẳn không thể không nhớ lại rằng, tròn 120 năm sau sự kiện đó, Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc xâm lược trực tiếp vào Việt Nam chính bằng cách đưa quân đổ bộ cảng Đà Nẵng ...
Như ta thấy, những ghi chép của viên sĩ quan trẻ từ hải quân Nga hoàng ghé thăm Việt Nam vào năm 1863, không chỉ khách quan và thú vị, mà gắn trực tiếp với những sự kiện của mấy thập kỷ qua.
(Lược trích vietnamese.ruvr.ru)