Trang

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Tân hoa hậu có bao nhiêu … mỡ?


Chẳng biết ai đưa đường dẫn lối mà hôm nay tôi đọc một bản tin về … hoa hậu. Tuy bản tin đã cũ, nhưng tôi vẫn bị cuốn hút theo câu chuyện của tân hoa hậu Đặng Thu Thảo [2]. Cuốn hút vì cô ấy là người gốc Bạc Liêu (quê hương của vọng cổ), xuất thân từ một gia đình nghèo (chứ chẳng phải tiểu thư đài các ăn chơi đàn đúm), chẳng những xinh gái (dĩ nhiên) mà còn ăn nói dễ thương. Nhưng quan trọng hơn cô có một nét đẹp rất Việt. Ôi, tự hào gái miền Tây quá! Nhưng đọc qua thông tin về nhân trắc của cô ấy tôi thấy quan tâm…
Theo thông tin trên báo chí thì cô có một chiều cao rất hoa hậu: 173 cm. Nhưng trọng lượng cơ thể thì chỉ 49 kg. Nếu không đặt những thông số này trong bối cảnh chung thì rất khó có nhận định hay so sánh gì. Một trong những chỉ số quan trọng phản ảnh sự tương xứng giữa chiều cao và trọng lượng là body mass index (viết tắt là BMI). Tỉ trọng cơ thể được tính rất đơn giản: lấy trọng lượng chia cho chiều cao bình phương. Vì đơn vị của trọng lượng là kg và chiều cao là m, nên đơn vị của BMI là kg/m2.
BMI có ý nghĩa y tế. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bất cứ ai có BMI bằng hoặc cao hơn 30 thì được chẩn đoán là béo phì (obese); ai có BMI bằng hoặc thấp hơn 18.5 thì chẩn đoán là thiếu cân (underweight). Dựa vào tiêu chuẩn này, hoa hậu Mĩ từ năm 1978 đến 1990 đều dao động trong khoảng 17 đến 18. Do đó, các chuyên gia đặt dấu hỏi rằng hoa hậu Mĩ đang trở thành tấm gương của thiếu dinh dưỡng (họ dùng chữ undernourished) [1]!
Quay lại tân hoa hậu Việt Nam, với chiều cao 1.73 m và trọng lượng 49 kg, chỉ số BMI của cô chỉ 16.4 kg/m2. Đó là một chỉ số thấp so với tiêu chuẩn thiếu cân (18.5 kg/m2). Do đó, khách quan mà nói, tân hoa hậu thuộc vào nhóm thiếu cân. Nhưng thật ra, nếu dùng tiêu chuẩn này thì hầu hết các hoa hậu trước đây đều thiếu cân vì chỉ số BMI của các hoa hậu VN chỉ dao động trong khoảng 17-18 (Bảng 1), ngoại trừ Bùi Bích Phượng (BMI 20.3).
Bảng 1: Chiều cao, trọng lượng, và BMI của hoa hậu Việt Nam 
Hoa hậu
Năm đăng quang
Chiều cao (cm)
Trọng lượng (kg)
Chỉ sốBMI (kg/m2)
Bùi Bích Phượng
1988
157
50
20.28
Nguyễn Diệu Hoa
1990
158
Hà Kiều Anh
1992
174
Nguyễn Thu Thủy
1994
172
Nguyễn Thiên Nga
1996
170
Nguyễn Thị Ngọc Khánh
1998
172
50
16.90
Phan Thu Ngân
2000
169
49
17.16
Phạm Thị Mai Phương
2002
169
49
17.16
Nguyễn Thị Huyền
2004
172
52
17.58
Mai Phương Thúy
2006
181
60
18.31
Trần Thị Thùy Dung
2008
182
61.5
18.57
Đặng Thị Ngọc Hân
2010
173
55
18.38
Đặng Thu Thảo
2012
173
49
16.37
Nhưng chỉ số BMI hay bị phê bình. Chỉ số BMI được phát triển với mục tiêu là phản ảnh lượng mỡ trong cơ thể. Chính lượng mỡ toàn thân mới là thước đo để chẩn đoán béo phì và thiếu cân. Nhưng thời xưa thì chưa có máy DXA để đo lượng mỡ toàn thân, nên các chuyên gia phải dùng một chỉ số gián tiếp là BMI. BMI có nhiều khiếm khuyết, và một khiếm khuyết lớn nhất là nó không tính đến sự phân bố lượng cơ và mỡ. Một người như Arnold Schwarzenegge (cựu thống đốc California và tài tử điện ảnh) có thể chẩn đoán là béo phì vì BMI trên 30, nhưng trong thực tế thì anh ta có nhiều cơ hơn là mỡ. Trong trường hợp này, BMI cung cấp thông tin sai!
Cách đánh giá béo phì tốt nhất là tỉ trọng mỡ toàn thân (percent body fat, PBF). Tỉ trọng này được tính bằng cách lấy lượng mỡ toàn thân chia cho trọng lượng, và nhân kết quả cho 100. Lượng mỡ có thể đo bằng những phương tiện hiện đại như máy DXA. Chúng tôi đã đo lượng mỡ và tính PBF cho khoảng 1000 phụ nữ ở Việt Nam. Kết quả cho thấy tỉ trọng mỡ ở nữ biến chuyển theo độ tuổi. Tuổi càng cao, lượng mỡ và tỉ trọng mỡ càng cao (Bảng 2).
Bảng 2: Chỉ số BMI và tỉ trọng mỡ toàn thân ở phụ nữ Việt Nam
Nhóm tuổi
BMI
PBF (tỉ trọng mỡ toàn thân)
15 – 19
20.0 (2.3)
30.1 (5.2)
20 – 29
20.1 (2.1)
31.6 (4.4)
30 – 39
21.71 (2.5)
32.8 (4.8)
40 – 49
22.7 (5.5)
34.5 (4.6)
50 – 59
23.0 (3.1)
35.6 (4.6)
60 – 69
23.2 (3.1)
37.4 (5.0)
70+
23.0 (3.2)
36.5 (5.5)
Chú thích: Số ngoài ngoặc là trung bình; số trong ngoặc là độ lệch chuẩn.
Quay lại với hoa hậu của chúng ta: có lẽ tân hoa hậu chưa đi đo lượng mỡ, nên chúng ta không biết cô có bao nhiêu mỡ và tỉ trọng mỡ toàn thân là bao nhiêu. Nhưng dựa vào mối liên quan giữa độ tuổi, BMI vả tỉ trọng mỡ toàn thân (xem Biểu đồ 1) chúng tôi đã phát triển một mô hình có thể tiên đoán tỉ trọng lượng mỡ cho bất cứ phụ nữ VN nào. Chỉ cần hai thông số BMI và độ tuổi là có thể tiên đoán tỉ trọng mỡ. Mô hình này như sau:
PBF = 0.039*tuổi + 3.2866*BMI – 0.0472*BMI*BMI – 16.48
Biểu đồ 1: Mối tương quan giữa BMI và tỉ trọng mỡ toàn thân ở phụ nữ VN
Thu Thảo năm nay 21 tuổi, và với BMI 16.37, tôi có thể đoán tỉ trọng mỡ toàn thân của cô là khoảng 25.5%.
PBF = 0.039*21 + 3.2866*16.37-0.0472*16.37*16.37-16.48 = 25.5
Tỉ trọng này đối chiếu như thế nào với các phụ nữ cùng độ tuổi? Như Bảng 2 trên cho thấy, tỉ trọng mỡ trung bình của những phụ nữ trong độ tuổi của Thu Thảo là 31.6% với độ lệch chuẩn là 4.4%. Do đó, chúng ta có thể tính chỉ số z như sau:
Z = (25.5 – 31.6) / 4.4 = -1.4
Nói cách khác, tỉ trọng mỡ toàn thân của Thu Thảo thấp hơn trung bình khoảng 1.4 độ lệch chuẩn. Có đáng quan tâm không? Dựa vào những thông số trên (z = -1.4), dễ dàng ước tính rằng có khoảng 10% nữ Việt Nam có tỉ trọng mỡ toàn thân dưới 25.5. Như vậy, tỉ trọng mỡ của Thu Thảo tuy thấp, nhưng cũng chưa hẳn là đáng quan tâm. Tuy nhiên, tôi nghĩ có lẽ Thu Thảo nên cân nhắc để tăng trọng lượng lên khoảng 54 kg (lúc đó BMI là 18 và tỉ trọng mỡ toàn thân là 28%) thì sẽ rất tuyệt vời.
Chú thích:
[1] Rubinstein S and Caballero B. Is Miss America an Undernourished Role Model? JAMA, March 22/29, 2000.
[2] Có lẽ đây là lần đầu tôi đọc tin tức về hoa hậu. Chẳng phải tôi không ưa người xinh đẹp, mà vì những bản tin, những bức hình của nhiều hoa hậu trước đây làm tôi… bội thực về hình ảnh. Những bức hình chụp từ những chuyến đi làm [gọi là] từ thiện, tôi thấy hình như chỉ là dịp để khoe quần áo và để được lên mặt báo. Cộng vào đó là những phát biểu có thể nói là rất khó nghe của họ làm tôi thất vọng. Và, từ đó tôi không đọc bất cứ một bản tin gì liên quan đến các giai nhân này.
Ấy thế mà sáng nay khi nhìn thấy tấm hình Ba Má của tân hoa hậu, tôi như thấy cái gì đó rất quen thuộc, và phải đọc bản tin. Thì ra người ta mới xong cuộc thi hoa hậu toàn quốc! Tân hoa hậu quê ở Bạc Liêu. Đọc về sự trưởng thành và bươn chãi của cô tôi rất cảm động và càng quí cô ấy hơn. Xuất thân từ một gia đình có thể nói là nghèo, chứ không phải từ một gia đình giàu có ở phồn hoa đô thị. Một vẽ đẹp tự nhiên và sáng ngời tỏa ra từ khuôn mặt thông minh, chứ chẳng cần phải phấn son đắc tiền (hữu xạ tự nhiên hương?).
Tính ra thì cô tân hoa hậu này còn trẻ hơn cháu gái tôi. Do đó, có thể gọi cô ấy là “cháu” cũng chẳng có gì quá đáng. Hóa ra, tân hoa hậu học ở trường Đại học Tây Đô! Tại sao tôi ngạc nhiên? Tại vì tôi được mời và đã nhận lời mời của một anh trong lãnh đạo của trường ghé thăm vào cuối năm nay. Nhưng chắc không có dịp gặp hoa hậu đâu. :-)
Tôi chỉ khuyên Thu Thảo một điều: đừng tham gia vào những “photo-op” nhé! Ý tôi muốn nói là đừng tham gia vào những màn đi làm từ thiện hay ghé qua bệnh viện mà làm như là một màn trình diễn để chụp hình. Đó là những màn tôi thấy rất phản cảm và không thật. Thu Thảo cứ đi làm từ thiện, cứ ghé thăm bệnh nhân nghèo, tiếp xúc với học sinh nghèo, v.v. với cái áo bà ba hay trang phục nào đó giản dị và thanh nhã, nhưng đừng choàng cái bảng đỏ có chữ “Hoa hậu” nhé. Và, nếu được, cho tôi khuyên thêm một lời: đừng bao giờ yêu cầu người khác gọi mình là “Hoa hậu” nhé. Đừng! Thu Thảo cứ hãy là người con gái miền Tây: thật thà, chất phác, nết na, ngoan hiền, và xinh đẹp.
NVT
(nguyenvantuan.net)