Trang

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

TẾT THIẾU NHI


Ảnh: Internet.

Có một nick trên lamchame.com kể là hồi nhỏ hay hát rằng:
Nhà em có nuôi một con chó
Trông nó to như con bò
Trưa nó kêu gấu gấu
Mưa nó kêu gâu gâu
Và chiều nó kêu gầu gâu.

Xưa thì như vậy, còn ngày nay thì sao?
Một học sinh lớp 9 PTCS T.A, Huế, đã viết tập làm văn như sau:
"Thúy Kiều là 1 người con gái tài sắc vẹn toàn, song nàng đã bị chế độ phong kiến vùi vào đống bùn nhơ. Đến nỗi, chịu không nổi, nàng đã nhảy xuống sông Tiền giang tự vẫn. May thay lúc đó có một bà đảng viên đi công tác về, bà liền nhảy xuống sông cứu nàng. Sau đó, Kiều giác ngộ và đi theo con đường Cách Mạng."
Với đầu bài "Em hãy tả bà nội thân yêu trong gia đình em", một em học sinh viết:
"...Bà nội em rất hiền. Mắt bà một mí nhìn sụp xuống. Bà khoái ăn trầu, ngày nào cũng ăn, nhổ ra cái nước đỏ lòm. Bà rất thích đánh em vì em hay trốn ngủ trưa. Cái roi bà giấu sau cánh cửa. Bà sai em đi mua cho bà ly chè sương sa, bánh lọt. Vừa đi em vừa húp bớt lớp nước dừa ở trên vì nó béo lắm. Về nhà nhìn ly nước, bà sai em ra xin thêm nước dừa và chê bà bán hàng hà tiện nước dừa. Em đâu có dám xin thêm. Bà em rất cao. Thân bà cao bảy thước. Gần nhà em có mấy cái cô bán bia ôm, buổi trưa hay la lối, cười giỡn om sòm với mấy cái ông lạ hoắc ở đâu tới. Bà tức lắm, chống nạnh chửi qua. Mấy cô thấy bà cao lớn, không dám chửi lại".
Thư tình của một học sinh lớp 6:
“Chồng iu quý của em! Tối qua, chồng hok đến gặp em như đã hẹn, có fải chồng đi “chơi” với con khác hok? Em bắt đền chồng, tối thứ 7 tuần này chồng fải đền cho em nhìu hơn đấy nhé! Mà lần này hok ra bụi chuối hôm nọ nữa đâu, ở đó bẩn lắm lại nhìu muỗi nữa. Chồng cố chơi lấy con lô để cuối tuần hai vợ chồng mình đi nhà nghỉ cho nó máu nhé! Vợ chồng cái Thương nó toàn đi nhà nghỉ mà chồng…” . 
của một học sinh lớp 2, một trường tiểu học ở quận Tân Phú, viết thư tỏ tình với bạn trai cùng lớp:
“...Em luôn nghĩ về anh. Em yêu anh nhưng anh không quan tâm đến em nên em rất đau khổ. Em quyết định không yêu anh nữa, em sẽ yêu con bác bảo vệ…”.
…và câu chuyện tình yêu của một học sinh mẫu giáo:
TKT, năm tuổi, vừa nghỉ học ở trường cứ ngồi thừ một chỗ, khóc liên tục, không ăn cơm, không ngủ, cha mẹ của em dỗ dành, gặng hỏi mãi nhưng T. vẫn buồn và khóc. Quá bối rối không biết con mình bị gì nên gia đình đã đưa bé đến khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2 để tư vấn. Qua trò chuyện, cha mẹ T. và chuyên viên tâm lý mới biết là cậu bé đang “yêu”. Vì nghỉ hè không gặp được cô bạn cùng lớp mà T. thích và hay chơi đùa nên cậu bé buồn và khóc đến độ mất ăn, mất ngủ.
(Nguồn: Internet)
Còn phụ huynh thì sao?
Tết thiếu nhi 1/6 đến nơi rồi. Lo những gì cho con mình đây, cho cháu mình đây, thậm chí với con của bồ, với con của sếp?
Con là nhất
Tôi biết có nhiều người (nữ thôi nhé) khi còn đang yêu thì dấu diếm thông tin về mình, nhưng vừa mới sinh con là trương ngay ảnh em bé lên avatar, ra điều tớ chả cần gì nữa, bái bai các anh nhé. Tội nhất là mấy ông xã, bị ra rìa không thương tiếc.
Không biết từ thời hồng hoang có vậy không nhỉ? Than ôi, cánh đàn ông!
Bởi vậy, cứ đến các ngày Tết, ngày lễ, các sự kiện liên quan đến các cháu, là các mợ (hi hi) cứ rối lên, sắm hết cái này đến cái kia, nếu là nhà khá giả. May lắm thì mới nhớ đến chồng, “chiếu cố” mua cho một cái gì đó. Thật là phải đa tạ các mợ. He he.
Ngày của trẻ em
Ngày trẻ em trên thế giới được coi là ngày lễ, ngày tết, sự kiện trọng đại của đất nước. Việc tổ chức ngày này cho các em hiện nay rất khác nhau.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi (ngày 1/6), International Children's Day, còn gọi là Tết Thiếu nhi là ngày lễ vì trẻ em, vì thế hệ tương lai của loài người, ngày nhắc nhở mọi người hãy bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn. Khoảng 30 quốc gia đã từng có tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi (trong đó có Liên Xô, khối Đông Âu cũ, VN).

Ngày Thiếu nhi Thế giới, Universal Children's Day, được tổ chức vào ngày 20/11, được Liên Hiệp Quốc khởi xướng từ năm 1954 để thúc đẩy trao đổi và hiểu biết lẫn nhau giữa các trẻ em, và để tăng cường hành động phát triển phúc lợi và tạo an sinh của trẻ em trên thế giới. Nó cũng được chọn là ngày để kỷ niệm thời thơ ấu. Ngày này năm 1959, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Tuyên bố về quyền của trẻ em. Công ước về Quyền trẻ em sau đó đã được ký kết cũng ngày này vào năm 1989, và đến nay được phê duyệt bởi 191 quốc gia. Một vài quốc gia coi Ngày Thiếu nhi Thế giới 20/11 Ngày Thiếu nhi chính thức của mình (Ngày Thiếu nhi quốc gia) như: Canada, Úc, Ai Cập, Pakistan, Hungary, v.v...
Ngày Thiếu nhi khác ở các nước còn lại cũng rất khác nhau. Thái Lan lấy ngày thứ bảy thứ nhì của Tháng Giêng (วันเด็กแห่งชาติ), với năm 2012 là vào ngày 14/1. Tại Hồng Kông, Đài Loan là ngày 4/4 (兒童節). Tại Thổ Nhĩ Kỳ là ngày 23/4. Ở Nhật, Hàn Quốc là ngày 5/5 (子供の日). Thụy Điển là ngày 13/5. Tại Bắc Triều Tiên là ngày 2/6 (국제 아동절). Tại Cuba là ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 7. Argentina, Tây Ban Nha là ngày chủ nhật thứ nhì trong tháng 8, gọi là ngày Día del Niño. Tại Đức là 20/9 (Kindertag). Một số nước châu Phi như Congo, Cameroon, Guinea, Gabon, Chad tổ chức vào ngày 25/12. Tại Hoa Kỳ không có ngày Thiếu nhi riêng mà thường được tổ chức chung trong các Ngày của Mẹ, Ngày của Cha.
(Nguồn: Wikipedia)
Ngày 15/8 Tết thiếu nhi Brazil. Ảnh: Internet.

Pháp luật về quyền trẻ em
Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã ghi gần 40 điều về quyền trẻ em.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 của nước ta khẳng định trẻ em có các quyền sau: Được khai sinh và có quốc tịch. (Điều 11); Được chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 12); Sống chung với cha mẹ (Điều 13); Được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự (Điều 14); Được chăm sóc sức khỏe (Điều 15); Được học tập (Điều 16); Vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch (Điều 17); Được phát triển năng khiếu (Điều 18); Có tài sản (Điều 19); Được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội (Điều 20).
Bộ Luật Lao động có quy định về việc sử dụng người lao động chưa thành niên nhằm bảo vệ trẻ em khỏi bị bóc lột trong công việc (Điều 121).
Luật Nuôi con nuôi quy định chi tiết về quyền được nhận làm con nuôi.
Trằn trọc và nghĩ suy. Ảnh: Internet

VN đã làm gì vì quyền trẻ em?
VN đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều văn bản liên quan đến an sinh xã hội, bảo vệ trẻ em, sự sống còn và phát triển của trẻ em như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 1991 - 2000, 2001- 2010 và 2012 - 2020, Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015.
Tính đến tháng 12/2011, đã có 59/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 của địa phương với tổng kinh phí 1.522 tỷ đồng.
“Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” là chủ đề của Tháng hành động Vì trẻ em năm 2012, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TBXH) tổ chức phát động.
Nhu cầu cơ bản của trẻ em VN ta là gì?
Về ăn. Người viết bài này không khẳng định được trẻ em trên toàn quốc đã đủ ăn chưa, do không có số liệu. Nhưng về tình hính suy dinh dưỡng ở trẻ em, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) công bố:
Năm 2010, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em nước ta là 17,5% (chỉ tiêu cân nặng/tuổi), trong đó SDD vừa (độ I) là 15,4%, SDD nặng (độ II) là 1,8% và SDD rất nặng (độ III) là 0,3%. 20/63 tỉnh, thành có mức SDD trẻ em trên 20% (xếp ở mức cao theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới - WHO). Tỷ lệ trẻ em SDD theo chỉ tiêu chiều cao/tuổi (SDD thể thấp còi) năm 2010  toàn quốc là 29,3%, trong đó xét theo phân loại của WHO có đến 31 tỉnh tỷ lệ trên 30% (mức cao), 2 tỉnh trên 40% (mức rất cao). Mức giảm trung bình SDD thấp còi trong 15 năm qua (1995-2010) là 1,3%/năm. Tỷ lệ SDD thể gầy còm (cân/cao) là 7,1%. Ước tính đến năm 2010, nước ta còn gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nhẹ cân, khoảng 2,1 triệu trẻ em SDD thấp còi và khoảng 520 ngàn trẻ em SDD gày còm. Phân bố SDD không đồng đều ở các vùng sinh thái khác nhau. Tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi 5,6% (ở thành phố 6,5% và ở nông thôn 4,2%). Tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng. So với năm 2000, tỷ lệ thừa cân-béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi hiện cao hơn 6 lần.
Về mặc
Tuy không có số liệu thống kê, nhưng có thể chủ quan nói rằng, ở miền núi, ở khu vực có khó khăn, nói chung trẻ em mặc vẫn chưa đủ ấm hoặc lành lặn, nói gì đến mặc đẹp.

Cởi truồng và sử dụng laptop. Ảnh: Internet.
Về học:
Lĩnh vực này, có lẽ không cần đề cập nhiều ở bài này vì theo đánh giá chung của xã hội, đang là hiện trạng báo động đỏ. Ví dụ mới đây là trường hợp phụ huynh xô đổ cổng Trường PTCS thực nghiệm Hà Nội do không đủ trường tốt để đăng ký cho con em vào học. Rồi mệt nhất là chuyện học thêm nhiều vẫn tiếp diễn. Lo lắng nhất là chuyện các cháu đu giây qua sông, qua suối để đi học, không biết đã hết chưa. Và buồn là số lượng các cháu bỏ học quá lớn: 1,2 triệu (theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009 - Tổng cục Thống kê). Đây là tỉ lệ cao nhất ở Đông Nam Á và là điểm yếu của VN khi cạnh tranh nhân lực. Ở châu Á, Bangladesh, Indonesia cũng có học sinh bỏ học nhiều nhưng không bằng VN. (http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/SOS-hoc-duong/Vi-sao-hoc-sinh-bo-hoc/80922.gd)
Về chơi:
Có thể nói ngay, thực tế quá thiếu các khu vui chơi lành mạnh cho các cháu. Trong khi đó nhan nhản các loại game bạo lực, thậm chí game sex. Mặt khác, khu vui chơi đa phần chỉ tập trung ở các đô thị lớn.
Một điều hết sức đau buồn là về tình trạng trẻ em chết đuối (trên đường đi chơi, tắm sông, tắm hồ, đi học, v.v...).
Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TBXH) Nguyễn Hải Hữu cho biết, mỗi ngày trung bình trên toàn quốc có mười trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ đuối nước của trẻ em VN cao nhất trong khu vực và gấp mười lần các nước phát triển. Năm 2010 có gần 3.500 em tử vong do đuối nước. (http://treem.molisa.gov.vn/SIte/vi-VN/13/349/17552/Default.aspx)
Tôi rất mừng khi đọc được tin về trò chơi bắn tên lửa bằng nước đã được tổ chức thi mới đây gây hứng thú và thu hút các cháu. Cần tạo điều kiện cho các cháu tham gia trò chơi này cũng như các trò chơi khác tương tự rất bổ ích về mặt phát triển trí lực.

Tên lửa nước tạo ra với nguyên liệu đơn giản và được bắn lên cao nhờ lực đẩy của nước. Ảnh: Hương Thu.

Về mong muốn được sống trong một gia đình hạnh phúc: theo báo chí đăng tải, tình hình bạo hành trẻ em là đáng lo ngại.
Vụ mới đây 12/5, bé gái 10 tuổi bị cha bạo hành. (http://vnexpress.net/gl/phap-luat/hinh-su/2012/05/be-gai-10-tuoi-bi-cha-bao-hanh/).
Mới đầu tháng 5 này, công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án “Mẹ bán con 15 tháng tuổi lấy tiền bao “phi công trẻ” đi thác loạn” như báo Dân trí giật tít. (http://dantri.com.vn/c170/s170-597416/me-ban-con-15-thang-tuoi-lay-tien-bao-phi-cong-tre-di-thac-loan.htm).
Số liệu tổng quan
Mặc dù VN đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế và tiến bộ xã hội ấn tượng, nhưng vẫn còn gần 4,3 triệu trẻ em (chiếm 18% tổng số trẻ em của cả nước) có hoàn cảnh đặc biệt, dễ bị tổn thương trước cảnh nghèo cùng cực và là nạn nhân của nạn mua bán người, bắt cóc, lạm dụng, bạo lực hoặc bị tai nạn thương tích hoặc vi phạm pháp luật.
Cụ thể hơn, Bộ LĐ-TBXH ước tính năm 2007 có hơn 2,5 triệu trẻ em sống trong “các hoàn cảnh đặc biệt,” chiếm gần 10% tổng số trẻ em trai và trẻ em gái ở VN. Con số này bao gồm: 1,2 triệu trẻ khuyết tật; 300.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV và AIDS, trong đó 4.720 trẻ nhiễm HIV; 168.000 trẻ mồ côi và trẻ không được cha mẹ đẻ nuôi nấng; 27.000 trẻ lao động; hơn 13.000 trẻ em đường phố; 20.000 trẻ sống trong các trung tâm xã hội; 3.800 trẻ sử dụng ma túy; và ít nhất 850 trẻ bị lạm dụng tình dục. Các vấn đề như khai thác tình dục trẻ em vì mục đích thương mại và buôn bán trẻ em cũng ở mức độ nghiêm trọng.
Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em sẽ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, phục hồi và tái hòa nhập kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm trẻ em bị xâm hại và bóc lột trong cả nước. Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em nhằm mục tiêu đến năm 2015 giảm tỷ lệ trẻ em có nhu cầu đặc biệt xuống dưới 5.5 %, trợ giúp, chăm sóc để phục hồi khoảng 80% số trẻ này, xác định và có hành động can thiệp sớm với 70% trẻ em dễ bị tổn thương cao, tập trung vào các khu vực có số trẻ em có nhu cầu trợ giúp và có nguy cơ cao, bao gồm trẻ em ở các vùng dân tộc thiểu số và yếu thế.
Tổng ngân sách dự kiến dành cho Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em là 1,756 tỉ đồng (tương đương với 84 triệu đôla Mỹ), trong đó dự kiến ngân sách địa phương là 742 tỉ đồng.
Ước ao và mong chờ
Những năm trước chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, tuổi thơ của tôi lớn lên ở đô thị. Tôi học chính khóa một buổi, buổi kia dành cho ngoại khóa: TDTT (tập thể dục dụng cụ, bóng bàn, bóng đá, v.v..), học vẽ, học nhạc lý, học đàn tự chọn... Sau này, những năm đi sơ tán, nhờ có nhóm các thày cô yêu văn nghệ, thể thao, tôi được tham gia tập diễn kịch, diễn xiếc, hát tốp ca, đồng ca, được biết thêm môn bóng chuyền, sống gần sông lại biết thêm bơi lội nữa chứ. Đi học về, ngày nào cũng phải làm vườn: trồng rau, tưới cây, nhổ cỏ, vun sới, rồi thu hoạch, có khác gì các bạn học sinh nông thôn. Vậy mà chả phải học thêm học nếm gì cả. Riêng năm lớp 10 cuối cấp (hệ 10/10), phải “cày xới” trên sách vở, phải dự các buổi phụ đạo để thi tốt nghiệp, để thi vào đại học, là đương nhiên.
Giáo dục cơ bản là quyền phổ quát. Với quyền này của trẻ em, có lẽ tôi chỉ dám ước ao, các cháu học sinh bây giờ được học hành như thời chúng tôi đã là tốt lắm rồi. Bao giờ đến được… ngày xưa. Hi hi.

Nhưng không phải như anh to xác, tính trẻ con này đâu. Ảnh: Internet.
Còn để đạt được như ở các nước tiên tiến, có được 10 quyền giáo dục cơ bản của trẻ em mà bà Rosa-María Torres, TS, cố vấn cao cấp về giáo dục của UNICEF 1991-1996 đã viết (đăng trên http://www.dvhnn.org.vn) , thì phải sớm có lộ trình, công khai và minh bạch.

Tớ sẽ thành công! Ảnh: Internet.

An Bường
30/5/2012
Xem thêm:

NGÀY TRẺ EM THÁI LAN 2012

Thư gửi bạn nhân 1-6