Trang

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

БОРИС И ТАНЯ - 1

Cô gái Bạch Nga.  Ảnh Internet.
Tình sét đánh
Boris và Tanhia (Борис и Таня) hai bạn sinh viên một thuở ở Leningrat thuộc xứ “Bạch Dương, sương trắng nắng tràn”. Nàng, Tanhia, quê xứ Bạch Nga (tiếng Anh là Belarus, tiếng bản địa và tiếng Nga đều viết là Беларусь). Còn chàng, dân Việt Nam chính hiệu, được nàng bắt chước bà Clapdivana Ivanopna phụ trách ốp (ký túc xá) dùng tên Boris cho dễ gọi. Chàng tầm vóc trung bình của mẫu người Á Đông, còn nàng hơi nhỏ so với dân tộc nàng. 
Sau một buổi большое совещание (mít tinh) đông nghịt người ở trường, chàng bắt gặp ánh mắt của nàng. Thế là làm quen. Sau này nàng cho biết, lúc ở hội trường, nhìn thấy chàng trên bục phát biểu mà lòng đã xốn xang.
Nàng không phải đẹp lắm, nhưng thuộc típ người hiền lành, chân chất. Nàng bảo nhà nàng không xa lắm so với thủ đô Minsk (Мінск, tiếng Nga: Минск) nước Cộng hòa Bạch Nga quê hương nàng.

Quảng trường TP Minsk. Ảnh Internet.
Xe Min khơ. Ảnh Internet.
                           
Nàng thích lĩnh vực mà người thân của nàng đang làm việc nên đã chọn vào học trường này. Nàng hỏi lại: А ты как? (Thế còn anh?) Chàng lúng túng một chút, rồi cũng nói thật. Chàng muốn học nghề khác cơ, nhưng “ông sứ quán” cứ bắt phải theo một danh sách đã định. Nàng ngạc nhiên, nhưng không nói gì.
Cũng như bao chàng trai cô gái khác mới yêu, họ tung tăng vui cười, trò chuyện. Tiếng Nga của chàng tiến bộ nhanh trông thấy. Còn nàng đã biết thêm về Việt Nam, con người Việt mà chàng là đại diện trước mặt nàng. Nàng hỏi nhiều lắm. Thậm chí nàng buột miệng: Chiến tranh là gì? (Что такое война?). Chàng giải thích và kể chuyện sơ qua thực tế Việt Nam thời kỳ đó, đang chiến tranh, cho nàng rõ. Nàng bảo rất hồn nhiên: Thế thì cho tớ về Việt Nam làm du kích (давай назад в Вьетнам, я могу сделать партизанка). Chàng buồn cười quá, nhưng cố nín nhịn để khỏi bục ra từ miệng. Chàng dọa: Này, thế có ở dưới hầm đất cả ngày được không, có ăn cỏ (rau muống) và sắn mãi được không và thiếu nước tắm có chịu được không? Nàng ngơ ngác, có lẽ chưa hình dung nổi cuộc sống du kích ở Việt Nam nó như thế nào.

                       Hoang tàn do chiến tranh. Ảnh: Internet.                   

Nữ du kích tải đạn. Ảnh: Internet.          

Ngày qua ngày, họ trở nên thân thương hơn. Họ hay rủ nhau đi chơi, chỗ nọ chỗ kia. Rạp Pribôi (Прибой кинотеатр) quá gần, đi những chỗ khác xa hơn nhé, cả hai cùng nghĩ và thầm gợi ý nhau như là chuyện hiển nhiên.

Rạp phim Pribôi (Cánh buồm) hoành tráng một thời, nay sắp bị đập bỏ... Ảnh: Internet.


...để xây dựng Trung tâm Nghệ thuật đương đại mang tên Sergey Kurekhin (1954-1996) - một nghệ sỹ xuất sắc của Liên Xô cũ. Ảnh: Internet.


Mấy nữ chiến sỹ “cộng Việt” (dân sinh viên Việt Nam hay tự gọi nhau như vậy) cùng trường đã nhận ra mối quan hệ này, nhưng làm lơ và lặng im theo dõi.

(Còn nữa…)
An Bường