Trang

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Trộm cướp hay là người yêu nước?

Dinh Thống nhất xưa. Ảnh: Internet.
Cho đến thế kỷ 19, Việt Nam vẫn nằm bên ngoài khu vực quan tâm địa chính trị của đế chế Nga. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là nước Nga thờ ơ với những gì xảy ra trên mảnh đất Việt Nam. Trong báo chí Nga xuất hiện nhiều bài viết về Việt Nam, thêm nữa là hàm chứa sự đồng cảm với đất nước đang chịu sự bành trướng thuộc địa của thực dân Pháp.
Sử gia Matxcơva Maksim Syunnerberg cho biết: “Kể từ thời đầu cuộc bành trướng xâm lược của Pháp ở Việt Nam, đất nước xứ nhiệt đới này đã thu hút sự chú ý cả của cơ quan đối ngoại Nga. Trong các tài liệu của những sứ thần ngoại giao Nga làm việc tại Pháp và Trung Quốc đều cho thấy mối quan tâm to lớn đến những vấn đề gắn với quá trình mở rộng thuộc địa Pháp và phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Là đại diện của một quốc gia không hề có quyền lợi trực tiếp nào ở mảnh đất phương Nam, trong những đánh giá nhận xét về các vấn đề Việt Nam, các nhà ngoại giao Nga đã thể hiện thái độ khách quan hơn nhiều so với những đồng nghiệp của họ từ Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh”.
Chẳng hạn, khi nhìn quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc, các nhà ngoại giao Nga thấy đó không phải là thái độ của nước chư hầu, mà chỉ là sự tôn trọng một cách truyền thống. Người Nga công nhận Việt Nam là đất nước hoàn toàn độc lập khỏi Trung Quốc. Phân tích chính sách của Pháp với Việt Nam, các nhà ngoại giao Nga nhận định rằng mục tiêu chính của Pháp là chiếm lĩnh vùng thuộc địa mới với nhiều triển vọng lợi ích to lớn.
Dưới đây là một số trích đoạn từ báo cáo của các nhà ngoại giao Nga:
Từ Paris, năm 1864: "Tình hình người Pháp ở Nam Kỳ rất khó khăn, việc đương đầu với phong trào kháng chiến sở tại đòi hỏi ở họ không ít sức lực và tiền bạc, khiến Hoàng đế Napoleon III đã phải đồng ý đàm phán với đại diện của triều đình Việt Nam. Những sứ giả này đề nghị trao một khoản tiền chuộc để người Pháp từ bỏ tham vọng với xứ Nam Kỳ. Napoleon III đã sẵn sàng đồng ý với điều đó, nhưng vào thời điểm cuối, dưới áp lực của giới thương nhân và công nghiệp trong nước, Hoàng đế Pháp đã từ chối vụ giao kèo".
Báo cáo từ Bắc Kinh, năm 1885: "Binh lính Việt Nam ở Huế đã tấn công viên chỉ huy người Pháp De Courcy, đến để đàn áp quan Nhiếp chính Tôn Thất Thuyết, người coi những kẻ xâm lược Tây phương là kẻ thù không đội trời chung".
Từ Bắc Kinh, cũng trong năm 1885: "Người Pháp thực tế không kiểm soát được Bắc Kỳ. Chỉ ra bên ngoài các đồn bốt quân sự của họ là chính quyền Pháp đã chẳng hề có chút sức mạnh nào”. Tiếp theo, nhà ngoại giao Nga đã viết mấy lời nổi tiếng như sau: "Ngay cả trong các đồn bốt người Pháp cũng liên tục phải chiến đấu với những đối tượng mà họ gọi là “băng đảng trộm cướp” nhưng thực ra đó là những người mà ta có thể mạnh dạn gọi là các chiến sĩ ái quốc của đất nước mình”.
Bài: vietnamese.ruvr.ru