Trang

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Đi xe lửa từ Matxcơva đến Huế 130 năm trước

Tàu hỏa Nga TK19. Ảnh: boti.ru.
Chúng tôi đã lưu ý rằng trong nửa sau thế kỷ 19, các bài viết về Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong báo chí Nga. Một trong số các tác phẩm đó thực sự đã thu hút sự chú ý của chúng tôi.
Tác phẩm trào phúng vô danh này nhan đề là "Những bức thư từ mặt trận Bắc Bộ", được đăng tải trong tạp chí “Báo thức” Matxcova.
Chuyện đó xảy ra năm 1884, khi mà triều đình phong kiến Việt Nam chuyển từ vua Kiến Phúc sang tay vua Hàm Nghi. Ngày nay, khi đọc truyện trào phúng này, chúng ta dường như được trở lại thời kỳ xa xưa ấy. Nhà sử học Matxcơva Maxim Syunnerberg cho biết: 
“Tác giả vẽ nên những bức chân dung châm biếm về các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự thời đó. Ví dụ, người tổ chức cuộc mở rộng thuộc địa Pháp ở Việt Nam Jules Ferry, người đứng đầu các hoạt động quân sự tại Bắc Bộ - đô đốc Courbet, tư lệnh trưởng các lực lượng viễn chinh – tướng Milio ...Trong khi đó, tác giả đã viết về nhân dân Việt Nam với thái độ thân thiện nhất. "Người Việt Nam rất vui vẻ, lịch sự và nhẹ nhàng" – tác giả nhấn mạnh. Ông đau đớn và phẫn nộ mô tả những nỗi thống khổ và tàn phá do cuộc xâm lăng của Pháp gây ra trên đất Việt Nam.”

Đọc tác phẩm trào phúng này, độc giả cảm thấy kinh ngạc trước năng lực của tác giả. Có cảm tưởng như ông đã trải qua một thời gian dài ở Việt Nam, đã chứng kiến các sự kiện liên quan đến cuộc xâm chiếm nước này làm thuộc địa của thực dân Pháp. Tuy vậy, tác giả không xác nhận thời gian thực tế ông có mặt tại Việt Nam. Hơn nữa, theo tài liệu lưu trữ, trong những năm đó, không có người Nga nào sống lâu dài ở nước này. Có nghĩa là những kiến thức về thực tế Việt Nam có thể được tác giả thu thập từ các bài báo xuất bản ở Nga thời đó, rõ ràng là viết khá khách quan.
Và một khía cạnh khác đáng chú ý được rút ra khi đọc "Những bức thư từ mặt trận Bắc Bộ” là khả năng thấy trước tương lai của tác giả. Các bạn cứ xét xem. Nhân vật trong truyện trào phúng đi từ Matxcova đến Huế bằng... đường sắt. Đừng quên chúng ta đang nói về năm 1884. Tuyến đường sắt Xuyên Siberi, kết nối Matxcova với các thành phố lớn nhất vùng Viễn Đông của Nga đến bảy năm sau mới bắt đầu được xây dựng. Vì vậy, trong năm 1884, không ai dám nghĩ đến khả năng làm một cuộc hành trình bằng xe lửa từ Matxcova đến Huế. Không một ai - ngoại trừ tác giả truyện trào phúng trong tạp chí Matxcova.
Và một ví dụ nữa. Tác giả viết rằng, đi xe lửa cùng với nhân vật chính còn có những người Việt Nam bị trục xuất từ Nga về quê hương vì không có hộ chiếu. Và điều đó diễn ra vào năm 1884! Xin nói thêm là khi đó ở Nga không hề có người Việt Nam nào sinh sống. Bốn mươi năm sau mới có những người Việt Nam đầu tiên đến xứ sở bạch dương để học tập trong hệ thống của Quốc tế cộng sản. Còn việc trục xuất người Việt Nam từ Nga về nước do không có hộ chiếu là thực tiễn mới xuất hiện trong vòng 20 năm qua.
Tác giả truyện trào phúng trong tạp chí "Báo thức" là ai? Ông chắc chắn là một người Nga, vì tạp chí này không đăng bài viết của các tác giả nước ngoài. Có thể suy đoán rằng người đó là nhà văn Nga vĩ đại Anton Chekhov. Năm 1884, Chekhov đã 24 tuổi, nhưng khi đó ông chưa nổi tiếng với đối tượng độc giả rộng rãi. Và cũng trong thời gian ấy Chekhov cộng tác với tạp chí "Báo thức". Nhưng đây chỉ là điều phỏng đoán mà thôi. Hãy hy vọng rằng cùng với thời gian, chúng ta sẽ tìm hiểu xem ai trong số người Nga đã không chỉ mô tả chính xác đời sống thực tế Việt Nam năm 1884, mà còn tiên đoán một số vấn đề trong thời đại ngày nay.
(vietnamese.ruvr.ru)