Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

ĐẺ MỔ

Tôi xin kể hầu quý vị câu chuyện sau. Một chuyện đẻ đái, vào đầu năm 1979.
Năm đó, đúng ngày này 17/2, vợ tôi được chở gấp vào bệnh viện X. P. (Hà Nội) để đẻ. Hộc tốc nốc gan đưa vợ đến nơi rồi, qua cổng bệnh viện rồi, lại cuống quýt tìm bác sỹ đã khám thai thường xuyên cho cô ấy. Tôi không nhớ, thời điểm đó là mấy giờ, nhưng cũng đã kịp biết là bọn Tàu đánh mình từ sáng sớm. Bác sỹ khám chán chê, rồi tuyên bố chưa đẻ được, cho về. Chưa mở hay chưa đóng gì đó. Chịu. Vợ chuẩn bị đẻ con so mà. Chàng trai mới 27 tuổi như tôi ngờ ngệch lắm. Tôi còn lẩn thẩn nghĩ, hay con mình nó sợ chiến tranh nên chưa chịu ra.

Hôm sau vợ vẫn chưa đẻ, vẫn nằm nhà, trong khi đó chiến sự ở biên giới Việt - Trung mỗi ngày một ác liệt. Việc quốc gia chống giặc, việc cơ quan bị biến động do chiến tranh khởi sự bất ngờ, lại cộng thêm vợ chờ đẻ, thiệt là căng thẳng.
Hôm sau nữa thì vợ chuyển dạ, đau chịu hết nổi, lại đưa cấp tốc vào bệnh viện. Nhìn vợ rên đau, tôi choáng. May mà tôi không bị cô chửa này chửi như một số các bà chửa khác. Chuyện chửi kiểu này tôi có nghe kể hoặc được chứng kiến hồi nhỏ khi vào bệnh viện thăm người nhà nằm ở khoa sản, cũng như sau này được mục kích sở thị tôi sẽ kể sau.

Nằm chờ đẻ. Ảnh Internet minh hoạ bài viết.

Bác sỹ sản khám xong cho vợ tôi, phán một câu xanh rờn “mổ đẻ”. Trời ơi, tôi rụng rời hết cả chân tay. Mổ đẻ là thế nào? Sao đẻ mà phải mổ. Mới nghe chữ “mổ” tôi đã toát cả mồ hôi, nên chỉ nghe được lõm bõm vế sau câu giải thích của bác sỹ. Phải mổ là do thai nằm ngược. Lại còn ngược với xuôi nữa chứ. Trước đó, vợ đi khám thai thường xuyên, có thấy nói gì khác đâu. Nghe mấy bác có tuổi khuyên, để dễ đẻ, chịu khó đi bộ cháu ạ. Các chị có kinh nghiệm đẻ đái, cũng góp ý chân thành như vậy. Vợ tôi áp dụng liền, không cần tôi chở nữa. Chở bằng xe đạp thôi, làm gì có xe máy hay xe hơi như bây giờ. Mà đi bộ có phải ít đâu. Từ nhà ở khu vực gần hồ Ha Le đến cơ quan gần bến xe Kim Mã cũng phải cỡ 5-6 cây. Ngày hai lần như vậy. Thế mà khi đẻ vẫn phải mổ. Thế là thế nào. Cái đầu nam nhi tôi không sao hiểu nổi. 
Nghe bác sỹ nói vậy, hoảng quá, tôi cuống lên chạy về cơ quan gần đó. May sao, cả hai bác sỹ Trưởng và Phó Trạm y tế cơ quan đều đang làm việc tại chỗ.
- Cậu bình tĩnh nói lại xem nào. Cứ vừa thở vừa nói, ai mà nghe được. Hai vị bác sỹ cơ quan mỉm cười nhắc như vậy.
- Ổ, tưởng gì. Mổ đẻ thôi mà. Hai bà an ủi tôi.
Nói vậy, nhưng hai bác sỹ tức tốc cùng tôi đến bệnh viện. Vợ chồng tôi cùng làm một cơ quan nên mọi người biết cả. Riêng Trạm y tế rất quan tâm, họ khen vợ chồng tôi, còn trẻ mà kế hoạch giỏi thế, lấy nhau sau ba năm mới có con.
Các bác sỹ “nhà” sau khi trao đổi với bác sỹ bệnh viện, giải thích cho tôi kỹ hơn. Cứ hiểu đại khái giống như là mổ moi, lấy đứa bé ra, rồi khâu lại. Con khoẻ, mẹ chỉ đau tí thôi. Tôi vâng dạ biết vậy, nhưng vẫn hồi hộp đợi chờ kết quả ca mổ.
- Oe, oe, oe. Con gái nhé. Hơn 3 ký một chút.

Bé chào đời đấy. Ảnh Internet minh hoạ bài viết.
Sau đó, tôi kịp thấy, vợ tôi nằm bất động trên xe cáng, dầu nghẹo một bên, đầu lưỡi hình như thè ra thì phải. Chắc là đau lắm. Có lẽ tiêm nhiều thuốc mê nên tới chiều tối vợ tôi mới tỉnh.
Gần tháng sau, là một chiến sỹ tự vệ, tôi được lệnh lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc tại Phòng tuyến Sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh. Bà ngoại cháu mếu máo: tội nghiệp con bé, đang đỏ hỏn thế mà bố phải đi phòng chống giặc. Cháu đầu mà. Cả nhà mừng và quý cháu lắm. Mọi người tranh nhau bế nựng con bé. Bên nội ở xa, nên vợ chồng tôi về ở nhà ngoại từ những ngày vợ luyện đi bộ trước khi đẻ. Dân gian nói đúng thiệt: Cháu bà nội tội bà ngoại. Thằng rể đầu như tôi, có con đầu lòng, lại vụng về chẳng biết làm gì cả. Thôi thì trông cậy vào nhà ngoại tất.
Hai bà bác sỹ cơ quan cũng giải thích, mẹ mổ là bị mất sữa, tốn tiền sữa ngoài nhiều đấy. Thời kỳ đó, ở Hà Nội chỉ có sữa bò hộp cô đặc, làm gì đủ các loại sữa như bây giờ. Lại còn phải ăn uống tẩm bổ để hồi phục lượng máu đã mất vì mổ nữa chứ. Chưa hết, việc hơi nặng một chút không được làm, cũng vì bị mổ. Lại phải uống thuốc nọ thuốc kia để chống nhiễm trùng vết mổ và cũng là để giảm đau nữa. Ơn trời, giai đoạn thuốc men này cũng qua mau. Ông rể này của nhà ngoại, riêng chỉ chuyện chạy vòng ngoài, lo các việc lặt vặt phục vụ bà đẻ đã đủ bở hơi tai rồi.
Nhưng nhắc đến vết mổ lại thêm một ký ức nhỏ vui buồn lẫn lộn. Bác sỹ mổ đẻ cho vợ tôi lúc đó, là nam, không biết chân tay lóng ngóng thế nào mà vết mổ không được đẹp. Buồn là vì vậy. Vợ tôi sau đó phải kiên trì làm các động tác vật lý trị liệu, chỗ mổ mới dần dần khá hơn. “Vui” là thỉnh thoảng được chọc quê: thế này thì người đẹp một con không dám mặc bikini ra biển rồi. Vì nàng thích đi biển lắm lắm.
Tôi hỏi các chị, các bà thì được biết, càng những năm sau này, mổ đẻ là hết sức bình thường, như mổ gà, mổ vịt, thường lắm và nhiều lắm. Còn rạch thì hầu như là gần hết các ca đẻ. Mấy cụ bà nhai trầu bỏm bẻm cứ lắc đầu: khiếp, thời chúng tôi làm gì có mổ, có rạch như các chị bây giờ.
Mỗi thời mỗi khác. Thời này là rạch, là mổ mà lị.
Sau này, vợ tôi kể một chuyện, cả nhà mới biết. Bà nhạc tôi cứ trách mãi. Số là, một lần có một bác nam, đi xe đạp ngược chiều với vợ tôi đang đi bộ trên đường Nguyễn Thái Học, đoạn giáp Văn Miếu. Liếc nhìn thấy thế nào mà cụ tụt xuống xe, dắt vòng lại, nói với cô bầu là vợ tôi.
- Cháu chịu khó về xoay giường lại nhé, cho dễ đẻ.
Vợ tôi không tin, nên không kể lại cho ai nghe cả. Mấy hôm sau, cũng tình cờ lại gặp bác đó, cũng đi ngược chiều. Bác ấy lại nói như hôm trước. Vợ tôi lại không tin, không kể với ai và dĩ nhiên không nhờ ai xoay lại giường cả. Bác ấy có khả năng siêu phàm, nhìn được thai nhi trong bụng phụ sản giống như máy siêu âm ngày nay? Tại sao với trường hợp vợ tôi, xoay giường ngủ thì tránh được đẻ khó? Khó hiểu ghê. Ai giải đáp được nào?  

Đi dạo cho dễ đẻ. Ảnh Internet minh hoạ bài viết.

À, trước khi kết thúc câu chuyện, tôi phải kể thêm là mọi người cứ hay nói kèm chữ đái cùng chữ đẻ. Đẻ đái. Đã đẻ lại còn đái. Vừa đẻ vừa đái à? Hay đẻ trước đái sau? Hay đẻ sau đái trước. Chuyện phụ nữ phức tạp thiệt. Một lần, cách đây khoảng 24 năm, tôi vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, được chứng kiến một hoạt cảnh tức cười. Có một nàng, quê đâu như Vĩnh Yên, Phú Thọ gì đó, người cao lớn, bụng đã vượt mặt. Lúc tôi mới vào, thấy nàng đứng vịn vào đầu thành giường, người cong lên cong xuống, miệng vừa chửi vừa rên rất to. Tiên sư nhà mày, sướng mày khổ tao. Cứ chửi, cứ rên la một hồi, rồi lịm đi vì mệt. Rồi lại chửi, nhưng tiếng nhỏ dần. Một lúc sau thấy nàng sấp ngửa chạy ra ban công gần đó. Rồi, chẳng biết nàng làm gì, chỉ nghe thấy tiếng nước chảy ào ào như nước mưa ồng ộc chảy qua ống máng mỗi khi trời mưa to hoặc rất to. Mấy bà trong phòng bưng miệng cười: nó đái đấy. Ấy thế mà hôm sau nàng đã xin xuất viện về rồi. Khoẻ thiệt ha.
3CANG
17/02/2012

Mời đọc tham khảo

Một trong các bác sĩ sản khoa hàng đầu ở Anh vừa lập luận mạnh mẽ rằng sinh mổ không nguy hiểm hơn sinh thường.

Một ca mổ đẻ. Ảnh Internet minh hoạ bài viết.

Mọi phụ nữ có quyền chọn cách sinh nở, dù đó là phương pháp gì đi nữa, chuyên gia Clive Spence-Jones khẳng định.
Một trường hợp điển hình gần đây nhất là Victoria Beckham, khi cô dự kiến sinh mổ lần thứ tư vào tháng tới. Trước sự kiện này, một số chuyên gia cảnh báo rằng những phụ nữ đẻ mổ nhiều lần đang đẩy sự sống của họ vào vòng nguy hiểm.
Tuy nhiên, theo thelondonclinic và drfosterhealth, Spence-Jones cho rằng tin đồn nhảm này là điều bịa đặt, dẫn tới hiểu lầm và chẳng giúp gì cho phụ nữ trong việc hiểu rõ hơn về sự thật một ca sinh nở.
Thực tế là, tất cả các kiểu sinh đều có nguy cơ, dù là bằng phương pháp mổ đẻ hay sinh tự nhiên. Chẳng hạn, cứ 3 phụ nữ sinh thường thì có một người sẽ bị són tiểu, do cơ xương chậu yếu.
Với sinh mổ, nguy cơ cũng vẫn có. Thường đó là vì một ca mổ bụng lớn, nhưng với kỹ thuật được lựa chọn như trong trường hợp của Victoria Beckham, nguy cơ biến chứng cũng ít hơn hẳn so với một ca mổ khẩn cấp.
Sinh mổ nhiều lần cũng gặp phải một số trục trặc hiếm gặp. Chẳng hạn người phụ nữ từng sinh mổ về sau lại đề nghị sinh thường sẽ dễ gặp biến chứng, do vết sẹo cũ có thể bị mỏng và bục ra khi mang bầu - mà biến chứng này thường đe dọa tính mạng cả mẹ và con, dù hiếm gặp.
Đó là lý do vì sao cứ 4 bà mẹ đề nghị sinh thường (mà trước đó đã đẻ mổ) cuối cùng vẫn có một người phải đẻ mổ. Hầu hết các bác sĩ sản khoa sẽ đề nghị người mẹ tiếp tục mổ bắt con, nếu 2 lần trước đó họ từng theo cách này, để giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
Clive Spence-Jones cũng cho rằng hầu hết phụ nữ chọn sinh mổ là do các lý do y học. Chẳng hạn em bé nằm vị trí không thuận, hoặc bị kiệt sức trong quá trình chuyển dạ. Hoặc người mẹ có khung xương chậu quá nhỏ, khiến em bé có nguy cơ mắc kẹt trong quá trình chào đời, hoặc người mẹ có thể bị gãy xương chậu. Một số ít chị em thì muốn được mổ vì sợ sinh tự nhiên.
"Dù thế nào đi nữa, khi họ đã chọn phương pháp này, hãy tôn trọng họ. Nhiệm vụ của bác sĩ và hộ lý chỉ là đảm bảo rằng mọi thai phụ đều biết quyền lợi của mình, rằng họ được chọn cách sinh", chuyên gia nói.
Viện hồ sơ bệnh án quốc gia Anh khẳng định rằng khoảng 7% các ca sinh mổ là theo đề nghị của người mẹ. "Theo quan điểm chuyên môn của tôi, con số này là khá cao, nhưng nó vẫn có nghĩa rằng chỉ một thiểu số nhỏ đã chọn cách này, và rất ít trong số đó được thực hiện để tạo sự thoải mái".
Tỷ lệ sinh mổ tại Anh hiện khoảng 24%. Số gia tăng nhiều là nhóm phụ nữ béo phì và những người có tuổi. Với phụ nữ béo, lượng mỡ nhiều trong khung chậu khiến em bé không thể đi ra theo ngả tự nhiên. Những phụ nữ trên 40 tuổi cũng được khuyên mổ vì tử cung của họ co giãn kém hơn so với phụ nữ trẻ.
Mỗi ca sinh thường rẻ hơn khoảng 800 bảng so với một ca sinh mổ. Tuy nhiên, bạn không thể tính toán chi phí chỉ bằng tiền. Người ta cũng phải tính tới tâm trạng suy kiệt của người mẹ sau một ca sinh thường đáng sợ, hoặc tới sức khỏe của đứa trẻ do những chấn thương khi đỡ đẻ. Chẳng hạn, khoảng 10% các trường hợp liệt não là hậu quả của những sai sót của bác sĩ trong ca đẻ thường.
Không ai thích một kết quả đáng sợ như vậy. Và đó là lý do vì sao việc sinh nở phải đảm bảo sự an toàn tối đa cho mẹ và bé, cũng như cho các nhân viên y tế. Không có tỷ lệ sinh mổ lý tưởng ở đây.
Các bác sĩ cần cho thai phụ lựa chọn cách sinh để phù hợp nhất với nhu cầu của cá nhân họ.
T. An
(Theo suckhoesinhsan.org, 13/9/2011)

3CANG kể chuyện và dẫn lại
18/02/2012