Trang

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Làng đa thê ở HN

(baodatviet.vn) - Chả mấy ai trong ngôi làng này lấy một vợ, cứ phải là đôi vợ, ba vợ, thậm chí là 10 vợ.

Trong một lần ngồi trò chuyện về ông nhà thơ Nguyễn Đăng Hành 16 vợ giữa thủ đô, một cô bạn giáo viên quê ở làng Vân Côn (xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội) cười toe toét bảo: “Ối giời! Ở làng tôi có tới cả chục cái ông như ông Nguyễn Đăng Hành kia. Ông Hành nổi tiếng là bởi vì ông ấy dám nói sự thực, dám công bố hành động bị người đời cho là xấu xa của mình. Làng tôi chả thiếu những ông dấm dúi lấy cả chục vợ, con cái cứ nói là rải tứ phương. Còn cỡ vài ba vợ thì đếm không xuể…”.
Câu chuyện của chị bạn làm tôi thấy ấn tượng. Thật khó có thể tin nổi, một ngôi làng ở thủ đô, cách Hồ Gươm không xa lắm, lại vẫn còn tập quán hôn nhân đa thê như thời phong kiến.

Nhà thơ 16 vợ Nguyễn Đăng Hành không gây ấn tượng lắm với người Vân Côn.

Xã Vân Côn vốn là vùng sâu, vùng xa của huyện Hoài Đức. Xưa kia đường sá đi lại vất vả lắm. Giờ có con đường cao tốc Thăng Long chạy xuyên qua xã, biến xã thuần nông xa trung tâm này thành ngôi làng với những biệt thự lung linh như trong cổ tích. Đường chạy qua, đất lên giá, những người nông dân vốn nghèo khó, quanh năm vật lộn với mảnh vườn bỗng chốc thành tỷ phú cả.
Một cụ già ngồi ở cổng đình Vân Côn vuốt chòm râu trắng xóa bảo: “Không phải dân Vân Côn này giàu có nên ăn chơi đâu. Nếu vì giàu có, vì bán đất mà ăn chơi, mà vợ nọ con kia, thì cả Hà Nội này đều thế rồi. Người Vân Côn xưa dù nghèo, song biết ăn, biết chơi, biết ngắm nguyệt thưởng hoa lắm”.
Lời cụ già nói đúng là thật. Cụ bảo, ngày xưa, thế hệ các cụ, chả mấy ai trong ngôi làng này lấy một vợ cả, cứ phải là đôi vợ, ba vợ, thậm chí là mười vợ. Các cụ rải vợ khắp huyện, khắp tỉnh.
Người Vân Côn tính lãng tử, hay đi làm ăn xa, đủ các nghề buôn bán thương nghiệp, xây dựng, thợ mộc và đi đến đâu thì họ đặt “văn phòng đại diện” ở đó. Các cụ già xưa đi đâu cưa đổ được bà nào thì rước bà đó về sống và tất nhiên là các cụ trở thành đế vương với “cung tần mỹ nữ” vây quanh, nhưng nay xã hội văn minh, pháp luật quản lý, thì họ không dám công khai. Đấy là không công khai bằng văn bản, giấy tờ, chứ chuyện họ lấy thêm vợ rành rành ai mà chả biết.
Một chị cán bộ Trạm y tế xã Vân Côn cứ cười ngặt nghẽo: “Đúng là đàn ông xã tôi có phong trào lấy vợ bé thật. Tôi kể ra cho anh thì sợ người ta mắng cho, nhưng anh cứ đi thực tế dọc ngôi làng Vân Côn mà dò hỏi xem, ngõ nào, ngách nào cũng có một vài ông năm thê bảy thiếp. Đàn ông Vân Côn dẻo mồm dẻo miệng, đi đến đâu là gái chết rạp đến đấy”.
Chị Đỗ Thị Hiền – Phó Ban dân số Kế hoạch hóa gia đình của xã Vân Côn cứ than vắn thở dài trong căn phòng làm việc xập xệ, lúp xúp sau tòa nhà hoành tráng của UBND xã, khi chúng tôi hỏi chuyện những người đàn ông lập thành tích thi đua lấy vợ bé.
Chị bắt đầu câu chuyện từ cái quan niệm cổ hủ về con trai nối dõi tông đường: “Dân làng tôi bảo thủ lắm, phong kiến lắm. Pháp luật họ còn chả sợ nói gì những lời tuyên truyền của cán bộ dân số. Nói nhà báo thông cảm, đến cán bộ, đảng viên cũng đua nhau sinh con thứ 3 thì còn nói được ai nữa.
Trong làng có anh tên Đỗ Đăng Nhung, 45 tuổi, đã đẻ 6 con gái, chúng tôi đến vận động, anh ta tuyên bố: Tớ cứ phải đẻ được con trai thì thôi, cán bộ muốn phạt thế nào thì phạt. Đến tuyên truyền nhiều quá thì bố con anh ấy đuổi ra mặt. Vừa rồi anh ta đẻ đứa thứ 7 thật, mà lại ra thằng cu. Chuyện anh ta sinh được thằng cu lại khiến phong trào đẻ con trai dậy sóng.
Tôi thống kê ở xã rồi, đa số các cặp vợ chồng đều không coi trọng công tác dân số, họ cứ đẻ đái thoải mái, đẻ đến khi nào ra thằng cu thì thôi, không có cách nào phanh được họ. Nhiều cặp vợ chồng có con gái đi lấy chồng, sinh cháu rồi, thấy cửa nhà trống vắng lại nhiệt tình đẻ tiếp.
Nói nhà báo thông cảm, chứ xã tôi năm nào cũng đạt “thành tích” cao nhất huyện về sinh con thứ 3. Năm nào ít thì tỷ lệ là 20%, năm nào nhiều thì tới 29% trường hợp sinh con thứ 3”.
Về chuyện đàn ông “thi đua” lấy vợ bé, chị Hiền bảo: “Đúng là chuyện đó rất phổ biến, nhưng là thế hệ các cụ già thôi”. Tôi hỏi: “Vậy thế hệ trẻ, 30 đến 40 tuổi có lấy vợ bé không?”. Chị Hiền bảo: “Thì họ có đăng ký kết hôn đâu mà khẳng định được. Còn chuyện đàn ông đi cơi nới bên ngoài kiếm thằng cu thì phải công nhận là có”.
Đúng là chẳng có chính quyền nào làm đăng ký kết hôn cho đàn ông lấy nhiều vợ, nên chả có gì làm chứng cứ cả. “Bia đá” thì không có, nhưng “bia miệng” thì rõ rành rành, ai cũng biết, ai cũng kể. Đến cả cán bộ phụ nữ, thậm chí là cộng tác viên dân số, rồi giáo viên cũng vác lễ đi cưới vợ hai cho chồng thì quả là độc đáo, không nơi đâu có.
Quay lại câu chuyện của cô bạn vốn là giáo viên ở xã Vân Côn, nay đã chuyển công tác ra Hà Nội, thì có một điều kỳ lạ, là đàn bà ở xã này có đặc tính cam phận với chuyện đàn ông năm thê bảy thiếp.
Nhiều chị em đẻ mãi vẫn chỉ ra “vịt giời”, thì một là cưới thêm vợ cho chồng, hai là nhắm mắt làm ngơ cho chồng đi kiếm vợ bé. Hầu hết chị em đều làm ngơ cho vợ đi kiếm vợ hai, vợ ba, nhưng cũng không ít bà công khai vác lễ đi rước vợ về cho chồng. Có bà sống chung với vợ bé của chồng cứ hòa thuận như chị em, có bà không sống chung, nhưng cũng coi con riêng của chồng và vợ bé như con mình, nuôi dưỡng chăm sóc đầy đủ.
Mà các ông chồng ở Vân Côn không chỉ lấy vợ bé để kiếm con trai, mà nếp tẻ đủ đầy rồi vẫn cứ lập “văn phòng đại diện”. Có ông thay vợ như thay áo, có ông “mía ngọt đánh cả cụm”, tức là lấy chị rồi, thấy em vợ “ngon”, lại “bứng” về nốt. Lạ nhất ở chỗ, ông chồng lấy em làm vợ, mà chị em ruột lại chẳng xích mích gì nhau, thậm chí coi con riêng cũng như con chung, là con tất.
Những câu chuyện về hôn nhân đa thê ở làng Vân Côn khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Còn tiếp…

Theo VTC
3CANG dẫn lại
31/01/2012