Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Героической питьевой BỢM RƯỢU

Các kỷ niệm uống rượu

1. Hồi học dự bị ở Kiev (năm 1970), “nhóm quậy” chúng tôi đã mò mẫm và được thưởng thức rượu nấu “quốc lủi” Xamagon (самогон) với món thịt cừu nướng Saslức (шашлык). Tuy chưa phải “tay chơi” nhưng tôi cũng đã biết gật gù: ngon tuyệt. Món rượu-thịt đó đã để lại ấn tượng tốt với tôi đến tận bây giờ.
2. Cú “say rượu khủng khiếp” lần đầu tiên với tôi là dịp Năm mới dương lịch 1971 ở Len. Sau khi làm nhiệm vụ chúc mừng năm mới ở Trường, tôi về đến “ốp” muộn. Các bạn Nga nhìn thấy tôi và kéo vào phòng dự tiệc luôn. Khoảng 6-7 người cả nam, nữ, chỉ riêng tôi là VN, còn là Nga hết. Davai, davai (давaй). Anh chàng to mồm nhất cũng cao to nhất, rót cho tôi một stakan (стакан) đầy ự Vodka. “Thằng bé tôi” lúc đầu hơi hoảng, nhưng cũng sĩ diện “davai” cùng họ, đương nhiên bị ép làm một hơi “do can xa” (до конца). Xã giao cỡ chừng đó, đã tự thấy “anh hùng”. Lúc đó tuy tuổi còn “non” nhưng có sức “bẻ gãy sừng trâu” nên chưa việc gì đâu nhé.
Về đến phòng mình, thấy các bạn đồng hương VN bày tiệc thịnh soạn quá. Đầy bàn, nào Vodka, sambanh, vang đỏ, vang trắng, bia chai, nào limonat, nào bánh, kẹo socola, cứ hoa cả mắt. Cái “dại” đầu tiên là sau khi “chơi” tất các thứ được mời cụng: sambanh, vang chua, vang đỏ, và thế là sau khoảng nửa tiếng hoặc hơn, tôi – Trưởng đồng hương của cả hội, đã đơn phương gục ngã xuống… giường.
Chìm đắm trong mơ màng cùng “nàng rượu” mà tôi vẫn nhận ra các đồng hương nữ đang hỏi han, lau mặt cho tôi bằng khăn lạnh. Một lúc sau, bỗng thấy 2-3 cô mũi lõ lúc trước cùng uống rượu xông vào phòng: Boris (tên Nga các bạn đó đặt cho tôi), gờ de tư (Где ты)? Các cô này cậy cao to hơn, gạt phắt các cô Việt, xô tới hỏi han, chăm sóc tôi, xì xà xì xồ nhiều câu, lúc đó làm sao tôi nhớ nổi. Một lúc họ cũng “biến” để còn ra nhảy nhót ở karido (коридор) cùng tầng của ốp. Các cô Việt nhà ta sau cú ngỡ ngàng đó thì tỏ ra hậm hực vì bị hớt tay trên một cách sống sượng. “Thằng say tôi” vẫn biết và “tự hào” về chuyện này lắm. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng nếu có dịp, tôi vẫn lôi chuyện cũ này ra kể với các đối tượng khác nhau và luôn lấy làm đắc ý lắm lắm.

Chuyện kể đăng báo

Đang sẵn có dự tính kể 2 kỷ niệm ban đầu về “năng lực uống rượu” ở Nga thì tình cờ tìm được bài dưới đây có nội dung liên quan và đăng lại để cùng “thưởng thức”.
Hũ nổi, hũ chìm...
Việt Hùng (NuocNga.net)

Trước tiên là một thông tin từ BBC và Mosnews:
"Kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ, hàng trăm nhãn rượu vodka-thức uống ưa dùng của người dân Nga, đã ra đời. Tuy nhiên, 1/4 trong tổng số hàng xuất xưởng là rượu kém phẩm chất, các nhà phân tích cho biết. Kết quả là, mỗi năm khoảng 40.000 người Nga chết vì thứ chất cay không đủ tiêu chuẩn này.
Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm nay ở Nga, 13.000 người thiệt mạng vì ''ngộ độc cồn'', hãng tin AFP đưa tin.
... Quyền kiểm soát sản xuất rượu trong tay nhà nước đã đem lại một nguồn thu đáng kể cho chính phủ Xô viết trước đây. Năm 2003, khoảng 2,2 tỷ lít vodka được bán ra trên thị trường nước Nga.
Con số này tương đương 15 lít một người, hãng thông tấn Reuters nói.
Ghê thật, 4 tháng mà có tới 13.000 đệ tử Lưu Linhski về với tổ tiên vì rượu. Có tờ còn nhanh nhảu nhân số tháng lên với 3, được số người chết vì rượu trong một năm ở Nga là... 4 vạn người. Quá ghê, bằng cả sân Mỹ Đình hôm quân ta đá với Thái Lan.
Đó là chuyện hôm nay, các con số thống kê thường được đưa ra thường xuyên bởi các hãng thống kê, thăm dò... Chứ còn ở Liên xô ngày trước, với số dân 250 triệu người thì không biết quân số thiệt mạng vì rượu hàng năm lên đến bao nhiêu, dễ có đến một huyện bên ta.
Thời trước chẳng biết thế nào, chứ hồi tôi sang Liên xô thì đó là thời kỳ đen tối với các bợm nhậu ta lẫn Tây. M.Gorbachov lên nắm quyền năm 1985, áp dụng luôn luật khô - сухой закон hạn chế bán rượu. Ông này hỏi ý kiến 200 vị lãnh đạo các xí nghiệp lớn nhất Liên xô thời đó để xem dân chúng có ủng hộ Luật khô hay không. Sau khi có ý kiến thuận chiều với lãnh đạo , Gorbachov cho đóng cửa nhiều nhà máy rượu, cửa hàng bán rượu, những ai có ma chay cưới xin phải đi xin cấp talon mua rượu với số lượng nhiều hơn một chút. Tệ hơn, ông Tổng bí thư này còn cấm tiệt các ĐSQ Liên xô ở nước ngoài khi tiếp khách không được dùng... rượu. Trong tiếng Nga, Tổng bí thư là Generalnyi sekretar (Генеральный секретарь) nhưng bợm nhậu không gọi như thế, họ gọi trại Gorbachov là đồng chí Mineralnyi Sekretar (Минеральный секретарь) có nghĩa là Bí thư... nước khoáng.
Các cửa hàng bán rượu ở Liên xô thời cải tổ luôn chật ních người xếp hàng mua rượu vodka, konhiak, vino... bởi lẽ cửa hàng chỉ bán theo giờ và hạn chế số lượng. Thời đó xuất hiện nhiều chuyện tiếu lâm quanh chuyện rượu. Xin kể đôi ba chuyện:
1. Dòng người xếp hàng dài dằng dặc chờ mua rượu. Có ai đó hét lên: "Tôi không thể chịu được nữa rồi. Tôi đến điện Kremli giết chết Gorbachov đây!". Sau một tiếng gã này thất thểu quay về. Dòng người rồng rắn vẫn nguyên xi. Một người hỏi: "Sao, anh đã giết hắn chưa?". Gã này ngán ngẩm lắc đầu: "Chưa, ở đó người ta còn xếp hàng đông hơn".
2. Sếp đang mây mưa với thư ký trong phòng làm việc. Sếp hổn hển nói: "Đừng, đừng đóng cửa lại, không người ta lại nghĩ là chúng ta đang uống vodka đấy".
3. Tại sao sau khi Luật khô áp dụng, tỉ lệ ly hôn ở Liên xô tăng lên?
- Đó là vì nhiều người chồng lần đầu tiên nhìn thấy vợ mình trong tình trạng tỉnh táo.
4. Hai bợm nhậu gặp nhau:
- Này, bom nguyên tử là bom gì ý nhỉ?
- Đó là khi mà cậu bị toi, tớ bị toi và vodka cũng bị toi.
- Thế bom hạt nhân là bom gì?
- Đó là khi cậu bị toi, tớ bị toi nhưng vodka vẫn còn.
- Ê nghe đây, thế thì khi mà cậu vẫn còn, tớ vẫn còn nhưng vodka không còn thì gọi là bom gì hả, hả, hả???
Còn một chuyện nữa liên quan đến giá cả vodka. Ngày đầu tiên áp dụng Luật khô, ông bố về nhà sau giờ làm. Ông con hồ hởi reo: "Ha ha hay quá, từ nay bố sẽ uống ít đi nhé". Ông bố lừ mắt: "Có mà mày ăn ít đi hơn thì có". Ông con trong chuyện này bị ông bố dọa cho ăn ít đi vì tiền lương là hữu hạn, là số không đổi, trong khi đó giá vodka chợ đen không ngừng tăng. Tôi còn nhớ một chai vodka trong cửa hàng như chai 0,5l Stolichnaya tem đỏ, Moskovskaya tem xanh lá cây... là vào khoảng 2,5 - 3 rúp. Trong khi đó giá chợ đen là 10 rúp, gấp 3 - 4 lần giá mậu dịch. Ở phía dưới ký túc xá trường tôi ở lúc nào cũng thường trực một dãy taxi bật đèn xanh đứng chờ. Khi cần chai rượu, chỉ cần xuống gác, búng búng tay vào cổ là ngay lập tức sẽ có một tay chạy đến. Hắn móc trong túi áo khoác ra một chai rượu nửa lít và mau mắn nhét tờ "đỏ" vào túi. Đây là cảnh thường ngày ở huyện, nhưng chỉ có cánh sinh viên ngoại quốc mới hay làm vậy, chứ anh em Nga cũng ít có điều kiện để mua rượu chợ đen bởi một chai rượu vớ vẩn như vậy đã ngốn hết 1/3 tháng học bổng của họ.
Rượu ít, rượu đắt đỏ... nhưng nhiều người đã trót nghiện từ thời trước mất rồi. Thống kê mới đây cho biết khoảng 1/3 số đàn ông và 1/7 số đàn bà Nga thường xuyên uống rượu vodka. Tôi cứ đoán mò là ngày xưa con số này chắc cũng không khác là mấy. Dân nhậu Liên xô bắt đầu chuyển sang uống các đồ uống khác, miễn là trong đó có chất cồn. Thức uống họ hay sử dụng nhất là nước hoa Odekolon, giá xê xích khoảng 10-3 rúp một lọ 100-200 ml. Tôi cũng đã từng đi uống... cồn y tế với một anh bạn Nga cùng phòng, đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ. Cứ há miệng ra đổ cồn nguyên chất vào miệng rồi ngậm lại thật nhanh để "không khí không lọt vào được". Nuốt xong cái thứ nước bỏng rẫy ấy vào miệng, rồi nhanh chóng tợp một ngụm to nước lọc vào để chúng tự trộn với nhau trong... dạ dày. Đây cũng là một cách uống thường thấy ở các bợm nhậu Nga thời cải tổ. Hôm đó, tôi bị ngất đúng nửa ngày mới tỉnh.
 Rượu lậu - Samogon được dịp lên ngôi


Samogon - Самогон là gì? Nói nôm na nó là rượu tự nấu trong điều kiện ở nhà. Ở Liên xô ngày trước và nước Nga hiện nay chỉ có 40% vodka nhà máy là đáp ứng được các tiêu chuẩn ngặt nghèo của tiêu chuẩn nhà nước GOST - ГОСТ. Còn lại 60% là rượu Samogon - vừa "hạt dẻ", vừa dễ kiếm (lại vừa dễ...ngộ độc). Vậy nên nói trong điều kiện hiếm hoi thời cải tổ, Samogon lên ngôi là vậy.
Nguyên liệu nấu rượu Samogon rất phong phú, có thể nấu từ gạo, từ đường, từ củ cải đường, từ lúa mạch, từ khoai tây... Trong các nguyên liệu kể trên, nấu bằng gạo và đường là "hiệu quả" nhất. Một kilogram gạo cho ta khoảng 1,25 lít vodka, còn một kg đường thì cho ít hơn một chút - 1,1 lít. Các loại nguyên liệu khác cho rất ít rượu, như 1kg khoai tây chỉ cho ta khoảng 1/3 lít là cùng, quá ít, chả bõ công nấu. Dưới đây là sơ đồ công nghệ nấu Samogon của các “đồng chí” Nga:
Nấu rượu kiểu ta hay kiểu tây chung quy cũng chỉ loanh quanh mấy chuyện ủ men, chưng cất và lọc rượu... Rượu Samogon Nga được tiêu thụ rất nhanh, nhưng cũng bị cấm đoán ra trò. Nhưng đối với các "chiến sĩ Việt Cộng" - từ chỉ quân ta bên Liên xô thời đó - ở các ký túc xá công nhân thì trong từ vựng hình như không có từ "sợ". Họ về phép, rồi hì hụi mang sang các dụng cụ nấu rượu lậu. Hải quan Liên xô khi mở vali ra kiểm tra thì chỉ còn biết kêu trời khi nhìn thấy mấy ống xoắn ruột gà, hỏi “sto eto“ - đây là cái gì, ông Việt cộng ta ú ớ không biết nói gì, rồi hai bên nhìn nhau đều cười như nghé mà cho qua. Quân Việt cộng ta thời đó thường nấu rượu trong ký túc xá công nhân, dùng nồi áp suất để nấu với nguyên liệu là đường. Thành phẩm làm ra vừa "phân phối" trong ốp, vừa để bán cho các bợm nhậu Nga. Nhiều anh đã "nên người" nhờ trò nấu rượu lậu này, đóng thùng to thùng bé về nhà góp phần vào sự nghiệp dân giàu nước không mạnh thời đó.


Vào dịp Tết vừa qua, vợ một chú nghiên cứu sinh ở cùng trường bỗng gọi điện cho mấy sinh viên cũ đến nhà thưởng thức món đặc biệt. Ngày mùng hai, cả mấy anh em hí hửng đến chúc Tết cô chú và hai em (thực ra đây chỉ là cái cớ). Khi đã ngồi vào bàn, cô lên gác và đem xuống... một chai rượu Stolichnaya tem đỏ. Thấy cả bọn ngạc nhiên, cô nói: "Đây là chai rượu chú chúng mày đem về từ 20 năm trước, bỏ quên mới tìm thấy được". Cả bọn cầm lấy cái chai ngắm nghía, săm soi. Ôi, chai rượu mến thương từng là của quý của thời cải tổ lao lung và khốn khó. Các viền mép nhãn rượu đã hơi úa vàng, nhưng nhìn xuyên qua chai vẫn thấy những đường keo máy chạy song song đều tăm tắp. Và nữa, cái thứ nước ấy dù đã trải qua 20 mùa nóng ẩm của xứ nhiệt đới gió mùa trong một xó xỉnh bụi bặm nào đó vẫn trong vắt như vừa xách về từ một cửa hàng đông đúc và chật chội ngày xưa. Uống rượu, không phải... mà là uống từng giọt kỷ niệm của một thời khô miệng vì... Luật khô.

3CANG kể chuyện và sưu tầm
31/12/2011