Trang

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Các viên quan đất Việt trông đợi gì từ hoàng đế xứ Nga?

120 năm trước đây mọi người ở xứ Nga biết về Việt Nam không nhiều. Còn ở Việt Nam biết về Nga lại càng ít hơn. Tuy nhiên, ngay từ thời ấy đã có một nhóm người Việt Nam nảy ra ý tưởng tiếp xúc với hoàng đế Nga. Những người Việt ấy là ai, và họ trông đợi gì từ cuộc gặp nhà vua xứ Nga xa xôi? Lời đáp cho những câu hỏi này được tìm thấy trong bản báo cáo 1892 của phái viên Nga tại Trung Quốc, sứ thần ngoại giao của triều đình Sa hoàng.
Sứ giả thông báo về Peterburg rằng có 3 viên quan Việt đã đến Bắc Kinh và tiếp cận nhà ngoại giao Nga, họ mang theo một bản kiến nghị. Văn bản này bắt đầu với những than phiền về Chính phủ Pháp và bộ máy cai trị thực dân ở Việt Nam. "Chủ đề khiếu nại của họ - sứ thần Nga đệ trình - chủ yếu là về ách thuế khóa mà Chính phủ Pháp áp đặt lên xứ An Nam. Đất nước không kham nổi gánh nặng thuế hà khắc quá mức như vậy, hệ quả là trong dân chúng nảy sinh nhiều bất bình và dồn nén ngày càng nhiều hận thù với chế độ đô hộ thực dân của Pháp”.
Như báo cáo của nhà ngoại giao Nga, các sứ giả Việt Nam đã ba lần cố gắng thương thuyết mong nhận sự hỗ trợ của chính quyền trung ương Trung Quốc nhưng không thu được kết quả gì. Điều đó chẳng đáng ngạc nhiên, bởi vào thời bấy giờ chính Trung Quốc cũng mấy lần bị thua các cường quốc châu Âu, và viễn cảnh một lần nữa dính líu vào cuộc xung đột với nước Pháp vì Việt Nam thì triều đình Trung Hoa hoàn toàn không mong muốn.
Trong tình huống này, như các viên quan Việt Nam báo với sứ thần Nga, nhà vua Việt Nam và các cố vấn của ngài ở kinh thành Huế đã quyết định thỉnh cầu sự giúp đỡ của Sa hoàng Nga. Họ muốn đề nghị vua Nga ủng hộ Việt Nam và, hơn thế nữa, che chở bảo trợ cho đất nước này. Các vị đại thần cam đoan rằng nếu được Nga hỗ trợ trang bị, xứ An Nam hoàn toàn thừa nhận là chư hầu của Nga và sẽ thần phục nghiêm túc. Tóm lại, các thuyết khách Việt yêu cầu nhà ngoại giao Nga cung cấp giấy tờ cho họ đến thủ đô Nga thời ấy là Peterburg để tiếp kiến hoàng đế Nga và trình lên vị quân vương xứ tuyết những khiếu nại đề xuất của nước Nam nhiệt đới đang chịu ách xâm lăng đô hộ.
Tuy nhiên phái viên Nga tại Trung Quốc đã xác minh được rằng những người Việt mà ông ta tiếp xúc thực ra không phải là sứ giả chính thức của triều đình Huế. Họ là thành viên của một nhóm sĩ phu căm ghét ách đô hộ của thực dân Pháp ở An Nam. Không còn nghi ngờ gì, đó là những đại diện của phong trào "Cần Vương", - sử gia Matxcơva Maksim Syunnerberg cho biết.
“Tất cả những người nghiên cứu lịch sử phong trào yêu nước này đều biết về mối liên hệ của Tôn Thất Thuyết với chính quyền các tỉnh biên giới Trung Quốc. Báo cáo của phái viên Nga tại Trung Quốc là chứng cớ không cần bàn cãi cho thấy rằng các lãnh đạo của phong trào “Cần Vương” đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía các quốc gia khác để chống Pháp”.
Sứ thần Nga tại Trung Quốc đã từ chối lời đề nghị của những người Việt Nam. Trong đó, ông ta vin vào lý do rằng nước Nga không có quan tâm chính trị gì ở Việt Nam.
Xin nhắc, đó là câu chuyện của 120 năm trước. Chỉ ba chục năm sau những sự kiện trong câu chuyện này, quan tâm chính trị của Nga đã xuất hiện ở Việt Nam: những nhà cách mạng Việt Nam đầu tiên bắt đầu đến Matxcơva học tập. Từ đó trở đi, quan hệ của Nga và Việt Nam phát triển như thế nào để trở thành những đối tác chiến lược như hiện nay, thì chúng ta đã rõ.
Ở đây có điểm thú vị: Thử tưởng tượng, giả sử năm 1892 nhà ngoại giao Nga cấp giấy tờ cho các chí sĩ Việt Nam đến Saint-Peterburg, và nếu như từng diễn ra cuộc triều kiến của các sứ giả Việt với Sa hoàng Nga ở kinh đô Peterburg, thì sau đó quan hệ tương hỗ giữa hai nước chúng ta sẽ được xây đắp ra sao?
Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng trong phạm trù lịch sử quá khứ với những sự kiện hiện thực đã xảy ra thì không có chỗ cho những đoán định kiểu “giả như, giá sử”, chỉ thuộc lĩnh vực tưởng tượng. Còn chuyên mục "Nhìn lại ngày hôm qua” trên làn sóng điện của Đài "Tiếng nói nước Nga" dành nói về những sự kiện từng có thực.
(vietnamese.ruvr.ru)