Chiếc
xe bạn đường. Ảnh: giaoduc.net.vn |
Câu chuyện đi
thi và chờ đợi kết quả
Trai nghèo xứ
Nghệ, ngoan và học giỏi
Chuyện kể rằng,
có một chàng trai trẻ, trẻ lắm, tuổi bẻ gãy sừng trâu (SN 1994). Chàng tên Ngô
Văn Thuận, quê thôn 8, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh
Nghệ An (có bạn đọc cho biết thêm tên làng là Gám?). Quê chàng là vùng đất mà cứ nắng thì hạn, mưa lại
ngập. Gia đình thuần nông nên cực lắm.
Nghệ An từ xưa cho đến nay nổi tiếng là đất học. Dân Nghệ chăm học và học
giỏi chỉ vì cái sự nghèo khó. Nhà Thuận nghèo lắm, được xếp vào loại nghèo nhất
thôn.
Ngôi nhà nhỏ của
gia đình chàng là tài sản lớn nhất mà cha mẹ chàng cố gắng lắm mới làm được để
có chỗ che nắng che mưa cho cả gia đình. Nhìn bên ngoài, ngôi nhà cũng đẹp đẽ
khang trang lắm, nhưng khi bước vào, trong cái nắng nóng oi ả của gió Lào, mới
thấy sự ngột ngạt nóng bức đến thế nào, bởi vừa thấp bé lại bị hư hỏng nhiều
chỗ, nắng rọi xuống khắp nơi trong nhà. Mái ngói thì chắp vá với pro-xi-măng,
những chiếc rui, mè đã bị mối mọt ăn hết rồi, không biết sẽ sập xuống đó lúc
nào. Ngôi nhà tuềnh toàng, không có vật dụng gì đáng giá nhưng hết sức ngăn
nắp, sạch sẽ, là nơi trú ngụ của 5 người trong gia đình.
Ngôi nhà của gia đình Thuận. Ảnh: Đức Chung |
Nhà Thuận
nghèo, có thể nói là nghèo nhất nhì xã Xuân Thành này. Nhà có 3 sào ruộng nên
để có cái ăn, cái mặc cho con, từ bà nội đến bố mẹ Thuận đều phải đi hót phân
trâu, phân bò về bán cho người ta làm thức ăn của cá. Phơi mình ngoài cái nắng
chang chang, nhưng mỗi thùng phân hót được chỉ có giá từ 5000 – 7000 đồng. Dù
có cắm mặt xuống đường cả buổi, mỗi người cũng chỉ kiếm được chưa đến 30.000
đồng. Thương vợ con thiếu thốn, sau những giờ ra đồng hay đi hót phân, cha
chàng lại lọ mọ chuẩn bị đồ nghề để đi đặt trúm lươn. Thuận cũng là thợ đặt
trúm thiện nghệ ở làng. Quần quật lao động nhưng cái nghèo vẫn cứ bám riết lấy
ngôi nhà nhỏ này.
Bà Tuệ - mẹ Thuận. Ảnh: Đức Chung |
Đã có lúc chàng
đòi bỏ học vì thấy bố mẹ cơ cực quá. Bà Tuệ, mẹ chàng, rưng rưng kể: “Hắn bảo
con nghỉ học, tui chỉ biết khóc. Con thương mẹ, thương bố thì phải cố gắng mà
học. Bố mẹ chẳng mong chi cả, chỉ mong con được học hành tới nơi tới chốn. Sau
này đời con không phải khổ như bố mẹ là được. Dù có bới đất, lặt cỏ mà sống, bố
mẹ cũng nuôi được con ăn học. Tui nói rứa, lại được thầy giáo chủ nhiệm thương,
động viên nhiều nên hắn mới đi học lại đó”.
Bảng điểm của Thuận lớp 12. Ảnh: Đức Chung |
Dắt xe ra đi, quyết chỉ làm sĩ tử
Khoảng 13h ngày 30/6 (có bài báo
viết: Đúng 1h chiều ngày 29/6, hành trình của Thuận bắt đầu), Thuận cầm
chiếc túi hằng ngày mang đi học rồi dắt con ngựa sắt cọc cạch mà mẹ chàng vẫn
dùng hằng ngày để đi cắt cỏ thuê kiếm tiền nuôi gia đình (có bài báo viết chiếc
xe này dành cho cu em út) để lên đường. (có
bài báo viết: Trời nắng như đổ lửa, chàng chỉ với chiếc cặp sách, chai nước đun
sôi để nguội và 30.000 đồng lộ phí cùng ý chí sắt đá trực chỉ Hà Nội). Phải
đi trước bốn ngày vì sợ đi 2-3 ngày mới tới. Ôi hôm nay con ngựa sắt sao lại tệ
hơn mọi hôm. Đành đến nhà bạn mượn con ngựa sắt tốt hơn vậy.
(Có bài báo khác viết: Lúc làm hồ sơ
thi đại học Thuận đã một mình quyết định và giấu mọi người trong gia đình vì em
nghĩ bố mẹ sẽ không cho đi một mình giữa Thủ đô xa lạ. Sau khi hoàn chỉnh hồ
sơ, Thuận đã chuẩn bị cho mình tinh thần để đạp xe đi thi. Trưa ngày 29/6,
Thuận đã xuất phát để thực hiện ước mơ của mình).
Trước khi đi chàng chỉ dám xin mẹ 10.000
đồng thôi. Còn cha chàng, không muốn con phải thua thiệt với bạn bè, đã mượn được 2
triệu đồng làm lộ phí cho con. Tuy nhiên, chính ông cũng không ngờ thằng con
trai của mình lại “cả gan” từ chối số tiền đó. “Có
lẽ vì thương bố mẹ quá mà hắn mới đạp xe đi thi để tiết kiệm tiền” – mẹ chàng
rơm rớm nước mắt nói.
“Nếu em nói là
đi Hà Nội bằng xe đạp, chắc chắn bố mẹ sẽ không cho đi nên em phải trốn đi đó
chứ. Nhà em còn một đống nợ ngân hàng chưa trả được, bố lại phải vay nóng người
ta 2 triệu đồng lấy tiền cho em đi thi. Em không muốn vì mình mà gánh nặng nợ
nần của bố mẹ sẽ lớn hơn nên quyết định đi xe đạp, để bớt đi cho bố mẹ một gánh
lo”. Xe nhà hỏng, thế là chàng âm thầm mượn xe của bạn để thực hiện kế hoạch.
Chàng cũng chỉ bảo bạn cho mượn xe chứ không dám nói sẽ đi Hà Nội bằng xe đạp
bởi nếu biết, cậu bạn sẽ kịch liệt phản đối. Mượn được xe về, chàng tự tân
trang lại cho chắc chắn. Cha chàng muốn đưa tiễn con đi thi nhưng chàng lắc đầu
từ chối: “Con có 700.000 đồng đây rồi, hôm qua con mới mượn bạn”, rồi dắt xe
đạp ra khỏi nhà, bảo sẽ ra thị trấn bắt xe đi Hà Nội.
“Năm ngoái em
cũng đã đạp xe xuống thành phố Vinh (Nghệ An), đoạn đường dài 50km. Em tính
rồi, từ nhà em xuống ngã ba Yên Lý (quốc lộ 1A, đoạn đi qua huyện Diễn Châu,
Nghệ An) là hơn 30km, từ ngã ba Yên Lý ra Hà Nội là 250km, nghĩa là sẽ gấp 5
lần từ nhà xuống thành phố, em chỉ cần đi 5 lần quãng đường đó là được. Nếu ô
tô mất hơn 6 tiếng để đi thì em sẽ mất gấp 4 lần như thế để hoàn thành
chặng đường của mình. Biết chắc sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng trong đầu em lúc đó
chỉ nghĩ được một điều duy nhất là làm sao có thể đến được trường thi, hoàn
toàn không có ý nghĩ sẽ bỏ cuộc giữa chừng”, chàng cho biết.
Thuận đạp xe xuống thị trấn Yên Thành,
qua Diễn Châu một đoạn thì thấy bảng chỉ dẫn đi Hà Nội 270 km nên chàng quyết
định đạp xe một mạch ra Hà Nội. "Em chưa biết Hà Nội ở đâu cả nhưng em
nghĩ mình cứ đạp xe men theo quốc lộ 1A thì sẽ đến. Lúc đi trong túi chỉ vỏn
vẹn 30 nghìn đồng cả tiền mẹ cho lẫn tiền bán sắt vụn có được. Khi ra đến Hà
Nội em vẫn còn dư 10 nghìn trong túi. Suốt hành trình đó em chỉ ăn bánh mì
không và uống nước mang từ nhà đi. Nếu mệt thì em nghỉ khoảng 15 phút rồi đi
tiếp. Buổi tối mát trời em tích cực đạp hơn", Thuận hồn nhiên kể lại về hành
trình của mình.
(Có bài báo viết: Đêm ấy, đi tầm 40km, chàng
lại xuống xe, vừa dắt bộ vừa nghỉ. Do không biết đường nên khi gặp đường rẽ, chàng
gọi tổng đài Bưu điện Nghệ An để được hướng dẫn rồi đi tiếp. Chặng đầu tiên dài
gần 80km, ra đến thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, nghỉ 45 phút lấy sức lại
leo lên xe).
Đến gần 12h đêm, mệt rũ người, chàng tạt
vào Bệnh viện Hữu Lực của TP Thanh Hóa nghỉ chân khoảng một giờ “Đi vào
buổi tối thì mát hơn, đỡ mệt hơn, với lại em cũng không dám nghỉ chân lâu, sợ
ngủ quên nhỡ ai đó trộm mất xe thì chết. Lúc nào khoẻ thì đạp, khi nào mỏi chân
quá thì xuống đẩy xe khoảng chừng 500m lại leo lên. Thỉnh thoảng chiếc
xe cũng dở chứng, có khi văng cả yên ra hoặc bộ xích bị chùng, trật khỏi lip
liên tục”. (có bài báo viết: gặm nốt chiếc bánh mì và tiếp sức bằng số nước
đun sôi để nguội mang theo, nhưng “chỉ ngồi chứ không dám nằm, sợ nằm ngủ kẻ
xấu lấy mất xe”).
“Đến 9h30 phút sáng ngày 30/6, em có
mặt tại huyện Thanh Trì, Hà Nội với một lớp bụi dày trên mặt, quần áo trắng xóa
vì bụi”. (có bài báo viết: 9g30 ngày hôm sau khi ra đến huyện Thạch Thất,
Thuận vào quán ven đường xin nước uống). Tình cờ Thuận gặp một người tốt
bụng hỏi han. Đó là đại úy Nguyễn Quốc Khánh, phụ trách công an xã Liên Ninh, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
Trong khi đó, gia đình cứ nghĩ chàng
chỉ qua nhà bạn hay đi đâu đó nhưng chờ mãi đến tối vẫn không thấy chàng về. Gọi
điện vào cái a lố cầm tay của chàng thì chỉ đổ chuông mà không thấy nghe máy.
Cha mẹ nóng ruột nóng gan, đứng ngồi không yên, đi hỏi khắp bạn bè nhưng không
ai hay biết gì.
Mãi 9h sáng 30/6 (có bài báo viết: 1/7),
chàng “lỳ” mới gọi điện về cho gia đình và thông báo là ra Hà Nội để thi đại
học. Lúc đầu mọi người tưởng chàng cho xe đạp lên ôtô khách, khi được bạn bè và
thầy giáo đến kể chuyện, gia đình mới biết chàng đi xe đạp từ nhà ra Hà Nội.
Ông Ngô Văn Quý – cha của chàng. Ảnh: Lam Anh |
(có bài báo
viết: Và chỉ đến khi cán bộ xã in bài báo nói về hành trình chàng Thuận vượt
300km bằng xe đạp để ra Hà Nội dự thi đại học gửi đến nhà, ông Quý mới ngã ngửa
bởi độ “lỳ” của con trai mình). “Nghe người ta nói, nghĩ mà thương con quá. Vừa thương,
vừa giận, nhỡ có mệnh hệ chi giữa đường thì biết mần răng. Thương con bao
nhiêu, thấy khổ tâm bấy nhiêu cô ạ. Mình làm cha, làm mẹ mà không lo được cho
con bằng bạn bằng bè”, cha chàng nói mà như mếu với phóng viên.
(Có bài báo viết: Sáng 3/7, trên Quốc lộ 1A (đoạn thuộc thôn Yên Phú, xã
Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) người ta thấy có một cậu thanh niên đi xe
đạp, mặt tái đi vì mệt mỏi vào xin nước uống và ngồi nghỉ nhờ ở nhà dân ven
đường). Chính là chàng Thuận đó. “Sắp đến nơi rồi, cố lên!”, chàng tự nhủ…
Thiên hạ nói rằng, xét ở tiêu chí về thể lực, có lẽ chàng hoàn toàn có thể được tuyển thẳng vào lò luyện các ông
cai đội (thời đại bây giờ người ta gọi là trường Sỹ quan Lục quân I) nơi chàng
đăng ký dự thi. Bà con thử tính xem, xuất phát ở quê (huyện Yên Thành, Nghệ An)
từ 1h trưa, đến 9h30 sáng hôm sau chàng Thuận đã đến huyện Thanh Trì, Hà Nội.
300km đạp xe với chỉ một chai nước và vài cái bánh làm bằng bột mỳ xứ Tây xốp
xồm xộp (nên gọi là bánh mỳ) không có tí nhân nào. Chắc chỉ có quyết tâm sắt đá
ấy mới giúp chàng sỹ tử có vóc người nhỏ nhắn, hiền khô này đạp xe cả quãng
đường dài đến thế. Chàng học trò nghèo tự nhận xét thế là bình thường,
“sĩ tử ngày xưa phải đi bộ hàng trăm cây số để lên kinh ứng thí đấy thôi”.
Nhưng bà con đến thăm gia đình chàng, mới thấy chuyện không chỉ đơn giản
là một chuyến đi dài…
Sĩ tử được quý nhân
phù trợ nên dự định một mình rong ruổi tiếp trên ngựa sắt không thành
Đặt chân đến Hà
Nội khi đôi chân rã rời, nhưng Thuận lại thấy mình đang bay vì sung sướng quá,
vì đã hoàn thành được quãng đường cần đi. Giây phút này Thuận chợt thấy rằng:
“Hà Nội cũng không quá xa”. Khuôn mặt lem nhem vì bụi đường dày cả tấc, cánh
tay hai màu da khác nhau vì bị nắng táp, trong túi của Thuận chỉ còn đúng
10.000 đồng. “10.000 đồng để ở Hà Nội 5 ngày thi?”, tôi ngạc nhiên. Thuận cười
bẽn lẽn: “Em định bụng ra Hà Nội sẽ xin phụ việc ở quán cơm mô đó 3 ngày, nếu
được người ta sẽ bao ăn, lại không phải lo chỗ ngủ nữa. Đến ngày thi, em sẽ xin
nghỉ, khi đó chắc cũng có vài trăm ngàn làm lộ phí. Nếu không, em sẽ xin bốc
vác ở bến xe. Em nghĩ mình có 2 bàn tay, có sức khỏe thì không lo đói được”.
Thế nhưng “kế hoạch
rong ruổi” đó đã không thành. Biết chuyện một thí sinh từ Nghệ An đạp xe 300km chỉ uống chứ không có gì để ăn, đại úy Khánh xem giấy tờ tùy thân rồi chở Thuận gặp một số cán bộ Huyện ủy Thạch Thất. Cuối cùng Thuận được gia đình ông Ánh cưu mang việc ăn ở và chở đi thi. (Có bài báo viết: “Sáng hôm đó, khi xuống địa bàn, gặp trường hợp của Thuận, biết hoàn cảnh và cuộc “hành quân dã chiến” của em, tôi quyết định sẽ giúp đỡ ngay để Thuận có thể đến địa điểm thi tận huyện Thạch Thất cho kịp giờ” (Trường THPT Hai Bà Trưng, huyện Thạch Thất, Hà Nội), Đại uý Khánh cho biết). Vậy là, thật may mắn, nhờ có các quý nhân tỏ lòng thương mến nên chàng được ngủ hai đêm trong
phòng trọ đàng hoàng. Chắc chắn đó là những giấc ngủ mà chàng không thể nào
quên.
Chàng kể cho mọi người biết, vào phòng
thi do bình tĩnh nên làm bài khá tốt, dù mấy hôm trước rất mệt mỏi do đi lại
nhiều giữa nắng nóng và không được ăn uống đầy đủ.
Xem lại bài sau khi thi môn hóa.. Ảnh: Phú Khánh |
Thuận bảo: “Khi đọc xong đề, tôi xác
định có thể đạt 8 điểm. Tôi đã làm hết khả năng của mình nhưng thú thật khi làm
bài đầu óc tôi khó tập trung đến tối đa vì người quá mệt mỏi. Tôi nghĩ nếu
trượt cuộc thi này tôi sẽ đi làm thêm ở chợ Vinh, chờ cơ hội vào Nam thi vào
một trường dạy nghề nào đó”.
Sau khi kết thúc môn
thi cuối cùng, chàng vui vì làm bài tốt rồi lại vội vã trở về ngay. “Thi xong, các bác và các anh chị bảo ở lại chơi mấy ngày nhưng em ngại quá. Mình làm phiền mọi người từ bữa đó tới giờ rồi. Em thật may mắn vì đã gặp được những người như bác Khánh, bác Dịch và bác Ánh (2 cán bộ huyện Thanh Trì)”, Thuận tâm sự. Lần này, rời Hà Nội, chàng về bằng ô
tô, hơn hẳn loại xe mà thời bao cấp cách đây trên dưới ba chục năm người ta gọi
là “chuồng gà di động”. Các bác đã mua vé ô tô cho chàng về Nghệ An. Đích
thân Đại uý Khánh đưa chàng ra tận bến xe. Lần này chàng không còn cô độc trên con đường của mình
nữa.
Đi làm, biết tin trượt và lại đi làm
Về đến nhà,
nghỉ ngơi được một hôm, chàng xuống thành phố. Từ hồi nhỏ đến giờ, việc bốc
vác, xúc phân, mò cua, bắt ốc, chàng đều
đã “kinh qua”, thi xong rồi, để chân tay thừa thãi thì không chịu nổi. Định
bụng xuống chợ Vinh, ai thuê bốc vác thì làm nhưng nhìn dáng gầy gò của chàng chẳng ai dám thuê, chàng lại về quê đợi cơ hội khác.
Xếp lại sách vở và chờ nhập trường. Ảnh: Hoàng Long |
(Có bài báo viết: Khi vừa đi thi về đến
nhà được một ngày, Thuận liền xin bố mẹ xuống chợ Vinh để làm thêm. Nhưng làm
được một ngày thì bố mẹ gọi về quê để nghỉ ngơi, gọi mãi Thuận mới chịu về nhà).
Về quê, chàng lại
đi bắt cua, đào giun làm mồi để thả ống trúm. Đôi tay vói các đốt to, dấu ấn
của những ngày tháng lam lũ, cứ xoắn vào nhau, cặp mắt sáng chợt thoáng buồn:
“Bà nội em già yếu quá rồi, lại bị thần kinh số 7 nên nói cũng khó khăn nhưng
thương con thương cháu vẫn lọ mọ ra đồng bắt cua. Bố mẹ em thì quần quật cả
ngày cũng chỉ đủ nuôi 2 đứa con ăn học. Nợ đầm đìa, nhà vẫn chưa tu sửa được
chi cả. Em lớn rồi, phải kiếm việc làm phụ bố mẹ chứ. Chưa biết đỗ đạt như
răng, cứ gác lại đó đã, lúc nào có giấy báo thì tính sau. Nếu chẳng may không
đỗ, em xin đi làm thuê, năm sau thi tiếp” - chàng nói.
Ngày sửa quạt ở chợ, đêm đi thả ống lươn ngoài đồng.
Ảnh: Hoàng Long
Chiều 7/7, tìm việc ở chợ Vinh - Ảnh: V.TOÀN |
(Có bài báo viết: Khi nhận giấy báo,
biết mình được 14 điểm kể cả điểm ưu tiên khu vực, Thuận khá buồn
và lao vào công việc sửa chữa quạt điện, lò thổi ở chợ với quyết
tâm tiết kiệm tiền ôn thi đại học và chờ cơ hội năm sau. Tuy nhiên, với
14 điểm, Thuận đủ điểm đỗ trường Tăng - thiết giáp (nhưng em không đăng ký nguyện
vọng 1).
Tuy nhiên, nghĩ tới gia cảnh của mình,
chị Tuệ lại ngậm ngùi: "Giờ cháu có thi đỗ đại học cũng không biết lấy đâu
ra tiền mà cho con đi học. Từ khi đi học cấp 3 cháu chỉ có hai bộ quần áo mặc
thay đổi và chiếc túi xách đi xin về còn mang cho tới giờ".
Nhà trường và
xã hội nói gì?
Câu chuyện về Ngô Văn Thuận được đăng đầu tiên trên Báo
ANTĐ vào tháng 7 vừa qua. Sau đó là một loạt bài báo đăng và kèm theo theo là ý
kiến dư luận.
Thầy Nguyễn Trọng Mậu, thầy giáo chủ
nhiệm 3 năm trung học phổ thông của Thuận, tự hào khi nói về cậu học sinh đặc
biệt của mình: “Thuận là học sinh lớp chọn của Trường THPT Yên Thành 2. Gia
đình Thuận thuộc diện khó khăn nhất xóm nhưng Thuận là đứa có ý chí, nghị lực
vươn lên. Là học sinh ngoan, hiền, có trách nhiệm, có tính tự giác cao và rất
chu đáo, học lực thì ở tốp khá của lớp, nhất là môn Toán, Lý. Thuận còn là cán
bộ của lớp. Biết hoàn cảnh em khó khăn nên lớp và trường cũng ưu tiên hỗ trợ
học bổng cho em, nhưng có nhiều khi Thuận mang lên bàn thầy xin trả, nhường cho
các bạn khác. Cũng có nhiều lần Thuận đòi bỏ học đi làm thuê kiếm tiền đỡ đần
bố mẹ. Còn việc em ấy tự mình đạp xe gần 300km để đi thi thì đúng thật là tôi
không thể ngờ tới. Không ai nghĩ một học sinh như thế lại cả gan đạp xe 300 km
để thi vào đại học như Thuận. Nhưng thực sự là rất tự hào vì có một người học
trò đầy bản lĩnh và ý chí như Thuận. Mong sao những nỗ lực của em ấy được đền
đáp xứng đáng bằng cánh cổng trường đại học rộng mở”.
Hay tin về hành
trình đạp xe 300km để ra Hà Nội dự thi đại học của Thuận, không chỉ nhiều báo
đài quan tâm muốn gặp cậu học trò nghèo này, mà bà con xa cũng về để được tận
tai nghe cháu mình kể lại. Đáp lại những lời tò mò, ngờ vực của mọi người, chàng
trai có làn da ngăm đen, khuôn mặt lấm tấm mụn nhưng nụ cười rạng rỡ luôn nở
trên môi lại lắc đầu: “Em thấy không có chi đặc biệt cả mà. Em chỉ làm việc em
nghĩ mình nên làm và có thể làm được thôi”.
Sau đây là phần
lược trích ý kiến một số còm sỹ trên báo mạng:
Cảm phục
Bác đã khóc khi đọc
bài này dù bác là nguòi ko dễ khóc. Cháu đã chọn một ngôi truòng tốt, ngôi
truòng đó rất cần nhũng nguòi như cháu.
Đọc về em Thuận
và đọc những cảm nhận của độc giả trên TTO mà tôi rơi nước mắt! Tôi là GV dạy
trên 30 năm, rất khâm phục tinh thần học tập của em.
Tôi vừa là mẹ
vừa là cô giáo, tôi đã rơi nước mắt khi đọc câu truyện về cháu, cô phải nói là
cô kính phục cháu. Cầu mong cho mọi sự may mắm mỉm cười với cháu.
Thật đáng khâm
phục! Tinh thần của ông đồ Nghệ.
Bác nghĩ nếu
cháu đỗ vào Trường SQ Lục quân 1 bác tin nhà trường sẽ có một học viên xuất
sắc. Cháu sẽ xuất sắc cả về lực học, tinh thần tự giác, ý chí rèn luyện, tính
kỷ luật và bất cứ cán bộ quản lý lớp học viên nào cũng muốn có cháu.
Việc thi vào
trường sĩ quan với năng lực học của bạn tôi nghĩ bạn đã đậu 100%,
"Nhân" tốt ắt hẳn sanh "quả" tốt, chúc bạn "Thuận buồm
xuôi gió". Bạn đã có kiến thức về sửa điện lạnh thì rất có lợi thế về chế
tạo khí tài, khí cụ. Tôi khuyên bạn nên chọn chuyên ngành này. Tôi hy vọng Bộ
Quốc Phòng đang rất cần quân nhân như cậu! Tôi kính mong Tuổi Trẻ cập nhật về
tương lai của thí sinh này để làm tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay!
Em chính là đại
biểu cho tinh thần hiếu học của sinh viên xứ Nghệ mình.
Em là một tấm
gương sáng của thời đại, chẳng cần lấy những câu chuyện xa xưa, cổ tích, lịch
sử v.v... mà chính em đã làm nên chuyện cổ tích như vậy. Em hãy vươn xa, đừng
lo lắng vì xã hội ta còn rất rất nhiều người tốt bụng muốn giúp đỡ em.
Con đường mà
bạn Thuận đi qua còn rộng hơn giảng đường Đại học và ý chí của bạn còn cao hơn
ngưỡng cửa đại học.
Đúng nghị lực của một
sỹ quan, chúc em có một tương lai thành công, mang lại lợi ích cho nước Việt
Nam. Tôi năm nay 25 tuổi mà đạp xe 300km đi thi chắc không cầm được bút mà viết
bài chứ không nói đến là làm bài được 14 điểm như em.
Đọc xong bài
viết về cháu Ngô Văn Thuận tôi xúc động vô cùng, quả là một người có nghị lực
đáng khâm phục, trong khi có những kẻ xài tiền như nước, mua dâm hàng ngàn đô
thì vẫn còn những cảnh đời khốn khổ. Cám ơn đ/c Đại úy Công An và gia đình ông
Ánh những trái tim nhân hậu. Chúc cháu thi đậu.
Các bạn teen,
các bạn sành điệu chuyên ngồi trà chanh chém gió hãy đọc bài này lấy một lượt.
Bài viết rất
truyền cảm hứng không những trong học tập mà còn trong tất cả những việc của
cuộc sống.
Sẵn sàng giúp đỡ:
Nếu em đồng
ý, tôi sẽ bố trí công việc làm thêm và chỗ ở cho em tại Vinh.
Mong quý báo
theo dõi kết quả thi của em để độc giả có thể hỗ trợ em nếu em thi đỗ mà gặp
quá nhiều khó khăn giai đoạn đầu đi học. Cũng mong trong những đợt thi tiếp
theo và của những năm sau, quý báo thông tin nhiều hơn những trường hợp thí
sinh có năng lực nhưng lại cực kỳ khó khăn trong việc đi được đến địa điểm thi,
để độc giả có thể hỗ trợ. Tôi tin rằng đây là những khoản đầu tư xứng đáng, góp
phần tăng niềm tin vào điều tốt trong xã hội, và để góp phần không làm mai một
những con người Việt đầy nghị lực và chắc chắn chính mình nhân rộng được sự
giúp đỡ này trong tương lai.
Các câu hỏi băn
khoăn:
Thật cảm động
và ngưỡng mộ em Thuận. Thế nhưng lớp đâu? Trường đâu? Địa phương đâu? Hội
Khuyến học đâu mà lại để tình trạng này diễn ra? Tôi nghĩ những trường hợp như
em Thuận, chỉ cần ai đó hô lên một tiếng là lập tức sẽ có rất nhiều người sẵn
sàng của ít lòng nhiều giúp em Thuận đi thi mà!
Tôi thật không
thể hiểu trường THPT ở địa phương và chính quyền cấp xã đã quan tâm đến những
học sinh nghèo hiếu học trong trường và địa phương xã như thế nào trong kỳ thi
vào Đại học hàng năm. Chương trình "Tiếp sức mùa thi" luôn rộn ràng
với các sĩ tử bốn phương về nơi mình để thi. Còn trường và địa phương nơi thí
sinh đang sống và học thì sao? Vẫn biết Ý CHÍ và NGHỊ LỰC là từ cá nhân thí
sinh, nhưng còn xã hội? Trường và địa phương xã thì như thế nào trước mỗi kỳ
thi vào Đại Học của các học sinh vừa tốt nghiệp THPT. Hàng năm, các xã đều báo
cáo thành tích đậu vào Đại học của học sinh tại địa phương. Nghĩ đến cứ có kết
quả thì báo cáo thành tích, chuyện đã thành công từ công sức hẩm hiu của học
sinh thì rồi địa phương mới la to.
Như thế mới
biết trên đất nước chúng ta còn tồn tại biết bao nhiêu sự bất công và nghịch
lý: người ăn không hết kẻ tầm không ra. Trong khi bao học sinh khác được đưa
đón, nâng niu trong kỳ thi này thì cậu bé Thuận phải chịu cảnh như vậy (mà chưa
hẳn chỉ duy nhất một mình Thuận?). Ở đây tôi thấy đáng trách nhất là vai
trò của chính quyền địa phương nơi Thuận sinh sống, sao không tìm hiểu, hỗ trợ
những điều kiện tối thiểu nhất để Thuận không phải rơi vào hoàn cảnh khó nhọc
như vậy? Chúng ta có cả một hệ thống đoàn thể gắn bó với từng người dân địa
phương. Mong sao đừng để những học sinh nghèo thiếu điều kiện phải chịu cảnh
vất vả khi đi thi như trường hợp của em Thuận như báo đã nêu.
Năm 1973 bác
cũng đạp xe từ một xã nghèo của Lộc Hà vào Cẩm Xuyên dự thi ĐH trong hành trang
chỉ có 1,0kg gạo TQ và 1 tờ 2 đồng mang hình liên minh công nông... Cũng được
bà con Cẩm Xuyên thương tình cho nhờ nấu cơm và cho "mắm" để ăn với
cơm... Thế nhưng 40 năm sau vẫn còn tình cảnh đó, thật là "mình khổ còn có
người khó hơn...". Cố lên thôi Thuận ơi!
Cách đây hơn 30
năm trước chú cũng từng là học sinh đi học trường huyện và ròng rã 3 năm trời
đi chân đất đi bộ đến trường. Nhưng đó là thời điểm của chiến tranh vừa kết
thúc. Còn hiện giờ nghe tin cháu đạp xe ra Thạch Thất chú cảm phục tâm hồn của
người con hiếu học quê mình.
Nếu là con tôi,
tôi sẽ rất phản đối với quyết định này, không khôn ngoan chút nào khi quá mạo
hiểm như vậy. May mà bạn không ngất xỉu, may mà đến được điểm thi còn đủ sức
khỏe.
Sao bạn không
đi nhờ ai đó. Tôi nghĩ khi bảo đi thi ĐH, bất kì ai cùng đường cũng sẽ cho bạn
đi nhờ.
Nhưng Thuận
hãy nhớ rằng trong cuộc sống của chúng ta cần nhất là phải có tinh
thần tập thể, cần phải có cộng đồng, xã hội... Chứ không phải việc
nào một mình cũng thành công đâu!
Kiến nghị:
Tại
sao trường đại học không mở vòng tay đón chào cậu học sinh này nhỉ? Nên có hành
động như tuyển đăc cách vào trường vì dù sao cũng chỉ thiếu 0,5 điểm thôi mà.
Những học sinh như thế rất cần cho tương lai. Mong rằng trường sĩ quan lục quân
hãy đón chào bạn ấy.
Một hoàn cảnh khó
khăn như vậy mà em vẫn quyết tâm đi thi đại học, một tấm gương sáng cho các bạn
trẻ noi theo. Qua việc này Tôi nghĩ Bộ quốc phòng, Bộ công an và một số trường
đại học khác nên dành một số chỉ tiêu cho việc xét tuyển thẳng các em có học
lực khá hạnh kiểm tốt, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhưng hiếu học
để vào học. Đây là tương lai của nước nhà chứ đâu.....
Bộ Giáo dục và Học viện Sĩ quan Lục quân I
nên xem xét và hạ điểm riêng cho em học sinh này. Những học sinh như vậy nên
khuyến khích và động viên mà giữ được người tài cho đất nước.
Trường SQLQ sau khi biết tin này có thể đề
nghị Ban tuyển sinh Bộ Quốc phòng xét đặc cách cho em Thuận được không, vì tôi
nghĩ với hoàn cảnh như vậy nhưng em đã không đầu hàng số phận, không tự ti, có
tinh thàn vượt khó vươn lên... Nếu được vào học chắc chắn em sẽ là một học viên
tốt. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng BQP, tỉnh Nghệ An xem xét, phúc khảo
cho em Thuận.
Tôi đề nghị Trường Sỹ quan Lục quân nên đặc
cách cho em vào học đợt này vì thiếu có nửa điểm. Sợ rằng năm sau em và gia
đình không đủ khả năng thi lại lần nữa.
Thuận được đặc cách vào Trường
Ngày 29/8, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh ký
quyết định tuyển bổ sung Ngô Văn Thuận vào Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp.
Theo quyết định, chàng sẽ được Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp
gửi thông báo nhập học đại học cấp phân đội theo quy định.
Chiều 29/8, đang làm việc ngoài
chợ, Thuận nghe thông tin mình được đặc cách vào Trường Sĩ quan Tăng -
Thiết giáp từ các cán bộ huyện đội Yên Thành. "Nhận tin xong em
cứ ngỡ là mình đang mơ, chạy một mạch về nhà khoe với cha mẹ. Cả
nhà ôm nhau khóc vì vui sướng. Không ngờ người như em lại được các
bác ở Bộ Quốc phòng quan tâm và đặc cách", chàng kể lại, mắt rơm
rớm.
Đặc cách vào Trường SQ Tăng - Thiết giáp. Ảnh: Hoàng Long
"Được như thế đã là quá tốt
rồi, gia đình chúng tôi không dám mong gì hơn. Chỉ hy vọng cháu sẽ
học tập và rèn luyện thật tốt để làm người có ích, không phụ công
của mọi người", bà Tuệ tâm sự.
Thuận và bố mẹ đều bất ngờ và
vui sướng đến phát khóc khi nghe tin được vào học Trường Sĩ quan Tăng
- Thiết giáp. Ảnh: Hoàng Long
Em chẳng nghĩ mình là một ẩn số, em
sống đơn giản lắm - Chàng Thuận nhận xét về mình
Bà con hãy nghe
chàng trả lời phỏng vấn (trích đoạn):
- Nhiều người
cho rằng em “chơi ngông” khi đạp xe gần 300km ra Hà Nội để thi đại học?
- Em không nghĩ
mình chơi ngông hay cố làm ra vẻ khác biệt với mọi người. Em chỉ muốn bớt gánh
nặng cho bố mẹ và cũng chỉ nghĩ, cứ đi là tới đích. Bắt đầu đi, em cũng đã
lường trước được khó khăn rồi, nhưng nếu kế hoạch tự mình đề ra mà không cố
gắng để thực hiện được tới cùng thì sau này, trước những va vấp trong cuộc sống
mình cũng dễ gục ngã. Có những khi đói cồn cào, chân tay run lẩy bẩy vì mệt,
nhưng em thấy mẹ còng lưng bên những thùng phân, bố rạp mình nơi ruộng lúa lại
có thêm động lực để nhấn chân vào bàn đạp.
- Không
muốn trở thành gánh nặng của bố mẹ có phải là lý do để em chọn thi vào Trường
Sĩ quan Lục quân?
- Cũng một phần
chị ạ. Nếu đỗ Trường Sĩ quan Lục quân, bố mẹ em sẽ không phải lo chuyện chi phí
học tập hay ăn ở cho em. Nhưng cái quan trọng không kém là em nghĩ môi trường
quân đội sẽ rèn luyện em cứng cáp hơn, bản lĩnh hơn để đối mặt với những khó
khăn trong cuộc sống.
Thuận đang kể lại chuyến đi ra Hà Nội
lần đầu tiên trong đời của mình. Ảnh: Đức Chung
- Việc
em đạp xe 300km đi thi lên các phương tiện thông tin đại chúng, cuộc sống của
em có thay đổi nhiều không?
- Nói chung
cũng có một ít xáo trộn. Mọi người gọi điện hỏi thăm, động viên và cũng có
người tỏ ý nghi ngờ. Nhưng với em, đạp xe đi thì cũng là chuyện bình thường, sĩ
tử ngày xưa phải đi bộ hàng trăm cây số để lên kinh ứng thí đấy thôi. Mình thấy
bình thường thì tự khắc sẽ bình thường thôi chị ạ.
- Từ
ngày đi thi về đến giờ, bạn bè và người thân có chia sẻ gì với em không?
- Em thấy mình
là người sống đơn giản, vui vẻ và hòa đồng nhưng cũng có bạn bảo em là một “ẩn
số, khó có thể giải được”. Em thì nghĩ khác, bởi em đơn giản nên không có gì để
giải cả (cười).
- Những
lúc học hành căng thẳng, em thường làm gì để lấy lại tinh thần?
- Em à? Cái gì
cũng biết một chút thôi. Học hành thì làng nhàng, Toán – Lý – Hóa thì ổn ổn một
chút. Biết một chút về đàn (Thuận biết chơi đàn organ do học lỏm từ một em
hàng xóm), hát cũng nghe được và thích nhảy hip-hop, mỗi tội là không được
đẹp trai cho lắm. Mỗi khi căng thẳng, em lại mở nhạc ra nhảy, như một cách để
thư giãn tinh thần thôi. Cuộc sống nếu chỉ biết cắm đầu vào học hay chỉ chăm
chăm đi kiếm tiền thì cũng không có gì là thú vị.
Vừa xếp lại đống sách vở cũ, chàng
tân sinh viên Tăng - Thiết giáp Ngô Văn Thuận cho biết, những ngày tới
vẫn đi sửa đồ điện tử để kiếm tiền và chờ đợi ngày nhập học.
"Lúc này em rất háo hức và hồi hộp. Em sẽ nỗ lực học tập,
phấn đấu và rèn luyện để trở thành chiến sĩ quân đội nhân dân Việt
Nam, không phụ lòng tin yêu và mong mỏi của mọi người", Thuận nói.
3 bài học lớn
1. Sự nỗ lực và ý
chí của bản thân
Đó là sự nỗ lực
học tập và lao động phụ giúp gia đình kiếm sống suốt những năm học phổ thông của
bản thân Thuận mà đỉnh điểm là chuyến đạp xe 300 km ra Hà Nội thi vào đại học. Đã
có lúc Thuận chao đảo vì gia cảnh nghèo khó. Sự cố gắng vươn lên và sự yêu
thương cha mẹ, gia đình luôn gắn quyện với nhau và là bản chất tốt đẹp của Thuận.
2. Sự chăm sóc của
gia đình và nhà trường
Gia đình cố gắng nuôi
ăn học cả hai anh em. Nếp sống gia đình tuy nghèo nhưng gọn gàng sạch sẽ, luôn
lo toan cho nhau là môi trường trong lành tạo cho Thuận có được bản chất tốt
đẹp.
Nhà trường và
các bạn động viên mỗi khi Thuận nản, muốn bỏ học. Và Thuận cũng đã cố gắng, Bảng
điểm học tập một phần đánh giá được điều đó.
Thuận được tín
nhiệm làm cán bộ lớp cũng là một trong các nguyên nhân giúp vượt qua khó khăn.
3. Sự quan tâm của
xã hội và chính quyền
Nếu không tình
cờ gặp đại úy Quang, sau đó được đến gặp và trú tạm tại nhà ông Ánh cũng như sự
giúp đỡ đầy cảm thông của nhiều người tốt bụng khác, thì có lẽ Thuận đã phải
tiếp tục hành trình trên con ngựa sắt, ăn ngủ vật vờ, không biết có vào nổi
phòng thi và làm bài được không nữa.
Ngay sau khi
bài báo đầu tiên của báo ANTĐ được đăng tải, hàng loạt các báo đã có các bài
viết rõ hơn. Có vị sẵn sàng tạo điều kiện việc làm tại Vinh cho Thuận, có vị
muốn biết địa chỉ để gửi quà hoặc hỗ trợ khó khăn trong thời gian đầu nếu Thuận
đỗ vào học ở Hà Nội. Đa số các ý kiến của dư luận xã hội là cảm phục ý chí và
nỗ lực vượt khó của Thuận. Các độc giả thực sự cảm động, đặc biệt có nhiều kiến
nghị tuyển đặc cách với trường hợp của Thuận. Các lời bình này chắc chắn đã góp
phần tác động tích cực với Bộ Quốc phòng.
An
Bường
2/9/2012
Nguồn: các bài
báo của Lam
Anh - Mốt & Cuộc sống; Hà Hằng, Kim Long - nguoiduatin.vn;
Hoàng Thùy - vnexpress.net; Đức Chung - laodong.com.vn; Đức
Chung - ngoisao.net; Duy Anh - anninhthudo.vn; Phú Khánh - anninhthudo.vn; tuoitre.vn;
dep.com.vn.