Trang

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

ÔNG CHỒNG VỀ HƯU

Nhiều lần tự nhủ: Quan nhất thời, dân vạn đại, vậy mà ngày về hưu ông vẫn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, chông chênh.   
Minh họa: DAD
Đời đá lăn quay, về ngay với vợ
Ý nghĩ mình là “vỏ chanh” làm ông rơi vào trạng thái trầm cảm. Khuya, ngồi uống trà một mình, ông nhìn ra mảnh sân nhỏ nhưng ánh mắt cứ xa thăm thẳm. Vợ khẽ khàng ra ngồi bên ông và lặng lẽ châm nước vào ấm trà. Đây là lần đầu ông thủ thỉ với vợ giữa khuya thế này. Bao nhiêu thăng trầm chốn quan trường, ông “bi bô” trút hết.
Bà lắng nghe, lâu lâu kêu lên: “Ui chu cha, chi mà dữ vậy? Giẫm lên cỏ, cỏ còn đau, huống gì đạp lên đầu nhau để… vươn lên thì tệ quá”. Rồi bà an ủi ông, nói mình về với vợ con là tui mừng rồi, hãy vui sống với gia đình, đừng nghĩ đông nghĩ tây cho mệt. Tre già măng mọc, hơi đâu... Đang bực, ông nói: “Thì đã đành măng mọc, nhưng nó không mọc thẳng mà mọc xiên, đâm ngang hông tui khiến tui lên bờ xuống ruộng”. 
Ông kể, trong bữa tiệc tống cựu nghinh tân, sếp mới “diễn” hay lắm. Sếp ôm hoa tới, rưng rưng nói: “Anh hưu chi sớm vậy? Em vẫn chưa cứng cáp mà”. Bà biết không, nó nói câu đó với “chất giọng” cảm động lắm, còn gương mặt thì ảm đạm vô cùng. Mấy em nhân viên xô người vào cụng ly chúc mừng nó, mắt nó hắt lên tia sáng mãn nguyện nhưng tay thì khoát lia lịa, nói phải biết ém cái vui trong lòng, để khi khác bung ra, còn bữa nay phải buồn. Nói xong nó và đám “lính gái” xịu mặt xuống liền. Đểu thế!
Bà dịu giọng nói thôi kệ ông ơi, đời đá lăn quay thì chạy ngay về nhà, đã có tui, có sắp nhỏ, ông có một thân một mình đâu mà sợ.
Tuần sau sếp mới đến thăm ông, nói anh em mình đang đồng cam cộng khổ với nhau, giờ anh về, em nhớ anh như nhớ về một sự chở che. Ra vẻ không màng danh lợi, sếp chán nản, rên rỉ rằng công việc bù đầu mà em lại bị viêm gan anh à. Ông nói chú mày nên uống “Diệp hạ châu” đi, thuốc đó rất tốt cho gan. “Và cũng rất hợp với nội tạng của chú - vợ ông xen vào - tên thuốc mỹ miều vậy nhưng dân quê vẫn gọi là… chó đẻ đó chú”. 
Không dễ làm... quần chúng
Chưa quen với “nếp sống mới”, ông thấy ngày nhàn nhạt đi qua. Con dâu nhờ giữ cháu, ông bợ lưng, thọc hai chân thằng nhỏ vào túi áo pijama vì sợ… tuột. Hãi quá, dâu hết dám nhờ. Bận bán hàng tạp hóa, vợ nhờ ông xuống bếp dọn cơm. Đang đọc báo, ông xếp kính xăng xái đi ngay. Mới ăn chén đầu, ông sờ túi áo, nói đôi kính mất tiêu rồi. Vợ nói ông để đâu đó, ăn xong hãy tìm. Cuối bữa mới phát hiện đôi kính nằm gọn dưới đáy… xoong canh. Có hôm vợ nhờ tắt bếp gas, ông vặn lửa to rồi để đó, chạy lên hỏi vợ tắt thế nào. Lúc ông nắm được “kỹ thuật” tắt mở thì cả nhà… nồng nàn hương cá cháy.
Bữa nọ ông nhậu cùng em vợ. Anh này hay cà khịa nên mới vài ly mồm miệng đã tía lia: Một khi chồng đã về hưu. Nghĩa là từ cọp hóa cừu hiền khô. Mừng cho chị tui lắm lắm. Ông dứ dứ nắm đấm dọa thằng em, nói cậu xỏ tui. Cậu ta cười hì hì: “Nói vậy thôi chớ em biết anh hiền từ trong trứng nước”. Thấy vui, bà kể chuyện “giữ cháu”, “mất kính”, “bếp gas”. Em vợ nói đó, anh thấy chưa? Đang “oanh liệt”, giờ “xuống” làm quần chúng đâu có dễ!
Nghĩ là thằng ba lém “chơi” mình, ông nổi khùng nói xưa nay tui sống với cậu như bát nước đầy. Giờ tui hưu, cậu giở giọng giậu đổ bìm leo. Đúng là nhân tình thế thái! Thấy “tửu trường” hơi căng, vợ ngồi phịch xuống mâm nhậu, nói thôi đi thôi đi, anh em với nhau sao lại… Lúc này, phần “con cừu” trong ông trỗi dậy nên ông nhẹ nhàng nói cậu mày “thọc sườn” trúng lắm. 
Trần Cao Duyên (thanhnien.com.vn)
Có một comment khá cảm động
Bài viết khá hay, có thể sẽ không nhiều người đồng cảm vì không ở trong trường hợp này, riêng mình thì hiểu sâu sắc việc này. Vì sao ư? Vì ba mình là như thế, không những chỉ là quan thường mà là quan cấp to. Khi ông về hưu, cũng không khác xưa là mấy (cách đối xử của bạn bè) nhưng trong cs gia đình thì hoàn toàn thay đổi, thay đổi từ việc giúp vợ nấu cơm đến chạy xe máy và chăm sóc cháu. Hôm qua dẫn bà nội đi bệnh viện mới thấy rõ cái sự "dân vạn đại" của ông, cũng chen chúc, cũng xếp hàng từ sáng đến trưa, cũng phải nghe sự gắt gỏng từ cô y tá... Tự dưng thấy thương ông hơn, một cán bộ hét ra lửa thuộc diện Trung Ương quản lý giờ bình dị đến là lạ. Ba ơi, tuy con không thể nối tiếp truyền thống "làm quan" của nhà mình, nhưng con nguyện kính trọng ba, không cãi lời ba như thời trẻ nữa, con tự an ủi mình rằng tuy ba đã về hưu nhưng vẫn còn đâu đó sự kính trọng của những người đương chức và hơn hết là con thấy sự gần gũi trong gia đình mình, chúc ba má luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc bên con cháu.
Nguyễn Quang Ngọc