Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

NGA VÀ CÁC VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH PHÁT SINH

Ảnh minh họa: Internet.
Mùa thu này liệu có xảy ra khủng hoảng?
Theo thống kê, các cuộc khủng hoảng từng xảy ra ở Nga đều rơi vào thời điểm “cuối hè, đầu thu”: đó là các cuộc khủng hoảng tháng 8/1998, tháng 7 – tháng 8/2004 và tháng 9/2008. Còn mùa Thu này thì sao? Có tới 56% người Nga tin rằng tình hình kinh tế sẽ xấu đi. 

Trước tình hình đó, trong khi người châu Âu bắt đầu tiết kiệm thì người Nga lại bắt đầu chi tiêu nhiều hơn. Chẳng hạn từ đầu năm đến nay, người Nga mua xe hơi nhiều hơn 14% so với năm ngoái. Dường như mọi người sợ tiền mất giá và giá cả tăng nên quyết định mua sắm. Ngay cả Chính phủ Nga cũng đã chuẩn bị cho tình huống xấu. Bộ Tài chính hơn tháng trước đã lập ra Quỹ chống khủng hoảng. Quả thật, tiền trong Quỹ dự phòng đã giảm đi đáng kể.

Giám đốc Viện Ngân hàng thuộc Trường Kinh tế cao cấp Vasili Solodkov cho rằng không cần phải chờ đợi cuộc khủng hoảng tiếp theo, bởi đơn giản là cuộc khủng hoảng trước vẫn chưa kết thúc.
Còn nhà phân tích Anton Safonov cho rằng tình hình tại châu Âu vẫn rất căng thẳng do hiện trạng ở Hy Lạp. Nếu Hy Lạp ra khỏi EU thì cả châu Âu sẽ đối mặt với khủng hoảng, tương tự như vụ vỡ nợ năm 1998. Đồng euro sẽ mất giá, đẩy tỉ giá của nó ngang bằng đồng đôla Mỹ. Tuy nhiên, lúc này EU vẫn hỗ trợ được cho Hy Lạp. 
Trưởng Phòng phân tích Công ty “Univer Capital” Dmitry Alexandrov cho rằng trong tháng tới sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Có thể đến tháng Chín, tình hình mới xấu đi do cuộc khủng hoảng tại EU kéo dài quá lâu. Mỹ nếu muốn có thể khiến các vấn đề của EU trở nên căng thẳng hơn. Khi đó, đồng euro sẽ mất giá trong khi đồng đôla Mỹ được củng cố, còn giá dầu mỏ sẽ giảm. 
Thế giới đang mong chờ một sự đổi thay
Giám đốc Ban Phân tích chiến lược thuộc tập đoàn FBK Igor Nikolaev cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là cuộc khủng hoảng mô hình kinh tế và chính trị. Do hệ thống cho vay lại nên vốn bị đầu cơ dẫn đến khủng hoảng. Trên thực tế, không có gì thay đổi nên những vấn đề tương tự sẽ lại phát sinh. Dù các nhà lãnh đạo có tổ chức bao nhiêu cuộc gặp thượng đỉnh thì họ cũng không giải quyết được các vấn đề cụ thể. Hiện nay chưa xuất hiện mô hình quan hệ kinh tế và chính trị mới. 
Nếu so sánh tình hình hiện nay tại Nga với thời điểm các cuộc khủng hoảng những năm 1998 và 2008, có thể nhận thấy hầu hết các chỉ số đã thay đổi một cách căn bản: Năm 1998 giá dầu chỉ là 10 USD/thùng, trước thời điểm khủng hoảng năm 2008 là 150 USD/thùng, còn hiện nay là hơn 100 USD/thùng. Các khoản thu – chi ngân sách đã thay đổi, lương hưu, trợ cấp tăng lên. Nói tóm lại, có nhiều điều đã đổi thay tại Nga, nhưng chỉ có điều: cứ hễ giá dầu giảm là chúng ta lại đối mặt với khủng hoảng.
Hải Nhân - kp.ru - hoidoanhnghiep.ru