Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

50 năm cơn sốt... nâng ngực

50 năm cơn sốt... nâng ngực 1
Ảnh: Shutterstock
Mùa xuân 1962, một bà mẹ 6 con ở Mỹ lên bàn mổ để được đặt 2 cái túi chứa đầy silicone vào ngực, không hề biết rằng mình là người tiên phong cho một cơn sốt lan khắp thế giới...

Lời đề nghị lạ lùng
Tên của “nhân vật lịch sử” là Timmie Jean Lindsey, một công nhân ở Texas lấy chồng từ năm 15 tuổi, ly dị khi chưa đầy 30. Lindsey sau đó sống với bạn trai, người khuyến khích cô xăm một cây nho bò trên ngực, vắt qua 2 gò bồng đảo.
Mối tình kết thúc cũng là lúc Lindsey muốn xóa đi hình xăm, bởi nó làm cho cô xấu hổ. Với thu nhập thấp, cô được xóa xăm miễn phí ở một bệnh viện từ thiện. Nhưng vị bác sĩ còn đưa cho Lindsey một đề nghị rất lạ lùng: “Cô có muốn phẫu thuật nâng ngực miễn phí hay không?”. Tất nhiên vào thời điểm đó, Lindsey chưa thực sự hiểu phẫu thuật nâng ngực là gì, mặc dù được nghe những hứa hẹn rất ngọt ngào từ bác sĩ. “Công nghệ y khoa” lúc bấy giờ chỉ mới dừng lại ở việc bơm trực tiếp đủ loại chất đầy nguy hiểm vào ngực, hoặc cấy miếng bọt biển mà lâu ngày trở nên cứng như đá - tất cả đều không phổ biến. Bối rối, nghi hoặc, cô lắc đầu, nhưng vẫn cầm số điện thoại của vị bác sĩ.
Cũng từ hôm đó, Lindsey bắt đầu nhận thấy sức công phá khủng khiếp của tuổi tác và “tàn dư” của việc sinh nhiều con: “Nhiều buổi sáng tôi thức dậy và thấy bộ ngực chảy xệ của mình “chạy” đi chỗ khác trên cơ thể. Trời ạ, tôi không muốn như thế”. Không mất nhiều thời gian, Lindsey liên lạc với vị bác sĩ có lời đề nghị lạ lùng và cũng rất nhanh chóng, ca phẫu thuật nâng ngực bằng cách đặt túi silicone đầu tiên trong lịch sử được thực hiện.

Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ đồng hồ và khi các bác sĩ hỏi có muốn nhìn bộ ngực mới của mình không, Lindsey thậm chí lắc đầu: “Không, tôi không muốn. Tôi sẽ không nhìn nó và cũng không nghĩ về nó”. Người phụ nữ trung niên này chỉ thực sự hiểu được ý nghĩa của ca phẫu thuật khi thấy nhiều ánh mắt chằm chằm cùng những tiếng huýt sáo của đàn ông khi đi ra đường. Nhưng cô cũng chỉ mới hiểu tới đó mà thôi.

Nhìn bịch máu, nghĩ tới… bộ ngực
Cùng thời với Lindsey là Frank Gerow - một bác sĩ phẫu thuật ở Texas (Mỹ). Một lần đến ngân hàng máu, Gerow bật ra một ý nghĩ táo tợn khi cầm bao ni lôn đựng máu. Anh chàng bóp bóp nó trong tay và thấy nó thật mềm mại giống như... ngực phụ nữ. Tại sao không đặt một cái túi gì đó mềm như thế để làm thỏa cơn say “nâng cấp” vòng 1 của quý bà nhỉ?
50 năm cơn sốt... nâng ngực 2
Gerow đem chuyện kể với sếp Thomas Cronin, một vị bác sĩ dày dạn kinh nghiệm. Cronin sau đó dự một hội thảo về phẫu thuật thẩm mỹ, nơi một đồng nghiệp cũ vô tình kể cho ông nghe về một sản phẩm mới trên thị trường có tên silicone gây rất ít phản ứng với cơ thể, có thể sử dụng ở dạng lỏng, sền sệt hay đông cứng.
Thời cơ đã đến! “Mỹ nữ” đầu tiên mà Cronin chọn để thử nghiệm cấy túi silicone gây chấn động thế giới có cái tên rất mỹ miều: Esmeralda - một ả 4 chân và kêu gâu gâu. Chỉ một cuộc thử nghiệm duy nhất trên động vật là quá đủ với Cronin. Ca tiếp theo được thực hiện trên cô Lindsey. Háo hức, nhưng cũng giống như Lindsey, bác sĩ Cronin cùng các cộng sự vẫn chưa biết rõ mình đang nắm trong tay một loại vũ khí lợi hại đến chừng nào. Đến khi Cronin đem báo cáo công trình của mình tại Tổ chức quốc tế của phẫu thuật gia thẩm mỹ ở Washington vào năm 1963, ông sửng sốt thấy giới bác sĩ phẫu thuật nhảy dựng hết cả lên.  
Cơn sốt của quý cô, quý bà còn ác liệt hơn: ước tính đến nay đã có từ 5 triệu đến 10 triệu người phẫu thuật nâng ngực bằng cách đặt túi silicone, chủ yếu là để làm đẹp. Những lý do khác như tái tạo ngực sau phẫu thuật do ung thư vú hay đàn ông chuyển giới thành phụ nữ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.
Số liệu thống kê ở Mỹ trong năm 2010 cho thấy đây là loại phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất, với 318.123 ca trong năm. Các cuộc thống kê cũng cho nhiều con số thú vị:  trong khi Brazil, Mỹ, Hy Lạp, Italia, Colombia... là những nơi có tỷ lệ “gia cố”vòng 1 cao nhất thế giới thì ở những nước châu Á như Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ... phẫu thuật hút mỡ, nâng mũi, cắt mí mắt được chú trọng hơn nâng ngực. Riêng với người Brazil, ngoài chuyện bộ ngực rất được “quan tâm” thì cặp mông cũng gây chú ý không kém...
Rủi ro? Không thành vấn đề
Sau 50 năm, cái túi silicone ngày nào không có gì thay đổi đáng kể, nhưng công nghệ “lắp đặt” nó đã hiện đại lên rất nhiều, chẳng hạn như sử dụng hình ảnh 3D, sự đa dạng đến hoa mắt về kích cỡ: từ 4 size lớn, trung bình, nhỏ và cực nhỏ ban đầu biến hóa thành hơn 450 size khác nhau. Riêng với “người đàn bà lịch sử” Timmie Jean Lindsey, sau 50 năm, cái túi vẫn nằm ngoan ngoãn trong ngực và ở tuổi 80, nay bà cho biết vẫn rất hài lòng vì sự hiện diện của nó.
Năm 2010, vụ bê bối PIP - hãng sản xuất túi silicone ở Pháp  - nổ ra, khiến phái đẹp dựng hết tóc gáy. Vì lợi nhuận, PIP đã dùng loại  silicone rẻ tiền được dùng làm nệm để sản xuất túi silicone nâng ngực, vốn có tỷ lệ bị nứt, rò rỉ cao. Đã có 8 trường hợp cấy túi PIP ở Pháp được ghi nhận mắc ung thư, gây hoảng loạn cho hàng trăm ngàn phụ nữ từng cấy túi của PIP trên khắp thế giới.
Ngoài ra, phẫu thuật nâng ngực cũng có thể để lại những biến chứng đáng tiếc khác, từ nhiễm trùng, vỡ túi độn đến tụ máu (máu không thoát ra ngoài được, gây đau nhức, thâm tím trên ngực bệnh nhân). Một cơn ác mộng khác, khá phổ biến là co bao, xảy ra khi cơ thể phản ứng thái quá với “vật thể lạ” từ đâu nhảy vào, sinh ra lớp nang xơ “trói chặt” túi silicone, dày lên, co lại, khiến cho bầu ngực bị méo mó, cứng như đá và bệnh nhân rất đau.
Sau tất cả những điều này, người ta quay lại với câu hỏi đầu tiên: Tại sao phụ nữ lại phải gánh lấy bao rủi ro chỉ vì lý do làm đẹp? Cũng xin quay lại với thời điểm “phát minh lịch sử” ra đời: ngay sau khi tạp chí Playboy xuất hiện, búp bê Barbie gây sốt và ảnh hưởng của các ngôi sao điện ảnh Mỹ gia tăng đáng kể. Đó cũng là lúc thiên hạ phát cuồng vì hình ảnh quả bom sex Marilyn Monroe quyến rũ với bộ ngực căng tròn đầy sức sống (cho tới tận ngày nay người ta vẫn không thôi tranh cãi về việc liệu Monroe có làm gì đó để bơm phồng vòng 1 hay không).
Quả là một thời điểm không thể thuận lợi hơn để những cái túi mềm mại của bác sĩ Cronin làm mưa làm gió. Phụ nữ khắp thế giới bắt đầu nghĩ tới chuyện “gia cố vòng 1” với phương pháp mới, dẫu còn nhiều rủi ro nhưng vẫn an toàn hơn gấp 100 lần so với những cách thức trước kia. Họ không cưỡng lại được ý nghĩ sở hữu một bộ ngực tròn trịa, chẳng thua kém là bao so với các siêu mẫu áo tắm, những cô nàng khỏa thân nhan nhản khắp mặt báo, những ca sĩ mặc áo khoét cổ tới tận thắt eo..., vốn đa phần cũng là những bệnh nhân từng nằm lên bàn mổ để các ảo thuật gia mặc áo blu trắng độn thêm tí silicone phù phép cho gò bồng đảo thêm nhấp nhô.

Hơn một thế kỷ loay hoay quanh bộ ngực
- Bơm: Vào những năm sau 1890, chất paraffin được thử nghiệm bơm vào ngực nhưng mau chóng bị cấm, vì nó rò rỉ ra các phần khác của cơ thể.


- Cấy ghép: Đến thập niên 20 và 30 của thế kỷ trước, các bác sĩ đã tìm cách cấy ghép mỡ từ các phần khác của cơ thể vào ngực.
- Độn: chất nhựa tổng hợp polyurethane, sụn, bọt biển, gỗ, thậm chí banh thủy tinh đều đã được thử độn vào ngực trong thập niên 50 của thể kỷ trước.
- Không dao kéo: bơm chân không, dùng mỹ phẩm, thuốc bôi, áo độn ngực... nằm trong danh sách dài các phương pháp cố làm cho vòng 1 trông đầy đặn hơn.
- Năm 1962 ca phẫu thuật cấy ghép silicone đầu tiên được thử nghiệm, bị Mỹ cấm một thời gian trong thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng sau đó được cho phép trở lại.
Kiều Oanh - thanhnien.com.vn