Robert Lefkowitz và Brian Kobilka. Ảnh: AFP |
Ngày 10-10, Ủy ban Nobel đã xướng tên nhà khoa học Mỹ Robert Lefkowitz (69 tuổi) và Brian Kobilka (57 tuổi), với khám phá về chức năng của thụ thể tế bào bắt cặp với protein G (GPCR).
Đó là các thụ thể (phân tử trên bề mặt tế bào) có khả năng cảm nhận các phân tử bên ngoài tế bào, qua đó kích thích quá trình truyền dẫn tín hiệu, tạo ra phản ứng thích hợp cho tế bào.
GPCR có liên
quan đến nhiều căn bệnh do chúng đóng vai trò trung tâm trong rất nhiều chức
năng sinh học của cơ thể. Tuy nhiên, việc phát triển các loại thuốc nhắm vào
GPCR là rất khó khăn do trước đó khoa học chưa hiểu rõ cách vận hành của chúng.
“Biết được các GPCR trông như thế nào và hoạt động ra sao sẽ đem lại cho chúng
ta công cụ để sản xuất ra những loại thuốc tốt hơn, có ít tác dụng phụ hơn” -
giáo sư hóa học Sven Lidin thuộc ĐH Lund, chủ tịch Ủy ban Nobel, nhận xét.
Chữa nhiều căn
bệnh nan y
Giáo sư Lefkowitz là người gốc Ba
Lan, sinh tại New York. Đến nay, ông đã nhận hơn 60 giải thưởng quốc tế cao
quý, trong đó có huy chương khoa học quốc gia Mỹ. Hiện ông đang giảng dạy ở
ĐH Duke tại North Carolina. Trong khi đó, nhà khoa học Kobilka sinh ra trong
gia đình làm bánh ở một vùng tỉnh lẻ tại Minnesota. Các đồng nghiệp mô tả ông
là người rụt rè, ít nói. Ông đang làm việc tại Trường y ĐH Stanford.
|
Theo Ủy ban Nobel,
khoảng 50% các loại thuốc hiện nay đều tác động đến cơ thể thông qua GPCR. Và
các loại thuốc nhắm vào GPCR có khả năng chữa được các căn bệnh nan y liên quan
đến hệ thần kinh trung ương, tim mạch, các bệnh viêm nhiễm, rối loạn trao đổi chất...
Chuyên gia Mark
Downs, giám đốc Hiệp hội Sinh học Anh, đánh giá nghiên cứu của hai nhà khoa học
Mỹ có tầm quan trọng lớn trong cả lĩnh vực hóa học và y học. “Nghiên cứu đột
phá này, từ gen đến hóa sinh, đã thiết lập nền tảng cho phần lớn hiểu biết của
chúng ta về dược học hiện đại” - ông Downs nhận định.
“Trong số
khoảng 1.400 loại thuốc đang tồn tại, có 1.000 loại là những viên thuốc nhỏ bé
mà chúng ta uống. Phần lớn trong số chúng dựa trên GPCR” - giáo sư hóa học
Johan Aqvist thuộc ĐH Uppsala (Thụy Điển) đánh giá.
Giáo sư sinh
học phân tử Mark Sansom thuộc ĐH Oxford cũng đánh giá GPCR “đóng vai trò cơ bản
trong rất nhiều quá trình sinh lý, từ hệ thần kinh đến khứu giác, vị giác.
Chúng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với ngành công nghiệp dược”. Do đó,
công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học Lefkowitz và Kobilka đã nhận được sự
quan tâm đặc biệt của các tập đoàn dược phẩm.
Khoa học mới
chỉ lờ mờ nhận biết sự tồn tại của GPCR vào giữa thập niên 1964 và không có
khái niệm gì về hoạt động của chúng. Lefkowitz và Kobilka đã thực hiện các
nghiên cứu và đạt được những khám phá quan trọng về GPCR vào giữa thập niên
1980.
“Không biết
phải làm gì”
Giáo sư
Lefkowitz kể khi Ủy ban Nobel gọi điện báo tin mừng, ông đang ngủ say và không
nghe thấy tiếng chuông điện thoại. “Vợ tôi đã lay tôi dậy và bảo rằng có điện
thoại này. Tôi vô cùng ngạc nhiên tới mức bị sốc khi nghe tin” - giáo sư
Lefkowitz cho biết. Và mọi kế hoạch trong ngày của ông đã bị đảo lộn. “Ban đầu
tôi định đi cắt tóc, nhưng có lẽ giờ việc đó sẽ bị hoãn lại. Đây sẽ là một ngày
điên rồ ở văn phòng làm việc”.
Giáo sư Kobilka
kể ông cũng bị đánh thức giữa đêm. “Đến giờ tôi vẫn còn ngạc nhiên” - Kobilka
xúc động nói. Ông tâm sự không biết sẽ phải làm gì với số tiền thưởng. “Tôi có
hai con, hi vọng chúng sẽ được hưởng một phần tiền. Thật sự tôi không quen với
việc được tôn vinh như vậy”.
Trần Phương, Sơn Hà - tuoitre.vn