Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Wish me luck

Chúc anh Tuấn may mắn và đạt kết quả như mong muốn.

Chỉ là chuyện riêng). Không! Wish me luck không có dính dáng gì đến vở kịch cùng tên trên tivi đâu, mà liên quan đến sự may mắn của tôi ngày hôm nay. Ngày hôm nay tôi đi dự buổi phỏng vấn để giữ cái ghế fellowship của mình. Mà, kết quả của những cuộc phỏng vấn như thế này có khi tuỳ thuộc vào may rủi. Vì thế, tôi tự chúc mình… may mắn. :-)

Chữ fellow trong hệ thống khoa học của Úc rất đặc thù. Fellow theo nghĩa thông thường là đồng bào, như trong câu My fellow citizens (hỡi đồng bào). Fellow còn có nghĩa là thằng cha, gã. Nhưng fellow trong khoa học thì khá đa dạng. Sau khi xong tiến sĩ, nhiều người phải trải qua giai đoạn hậu tiến sĩ, và nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ có khi được gọi là postdoctoral fellow. Ở Anh và Úc, fellow có thể hiểu là viện sĩ của một viện hàn lâm nào đó. Ở Úc, Hội đồng Y khoa và Y tế Quốc gia Úc (tức National Health and Medical Research Council, viết tắt là NHMRC) là một tổ chức có chức năng giống như National Institutes of Health (NIH) của Mĩ, nhưng… ít tiền hơn. NHMRC có khoảng 250 fellow trên toàn quốc, và mỗi người lãnh đạo một nhóm nghiên cứu trong các viện nghiên cứu hoặc đại học. Do đó, tôi không biết dịch chữ fellow sang tiếng Việt như thế nào, vì NHMRC không phải là viện hàn lâm.
Nói ví von một chút cho vui. Cứ mỗi 5 năm, các fellow lũ lượt kéo nhau về chầu thiên triều. Thiên triều ở đây là NHMRC. Chầu ở đây là một cuộc phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn rất ư là nghiêm trọng, vì kết quả của nó quyết định sinh mạng khoa học của một fellow. Ai đạt thì có quyền giữ cái ghế fellowship thêm 5 năm; ai rớt thì nhường cái ghế fellowship cho người khác. Vì tầm quan trọng của cuộc phỏng vấn, nên các trường đại học đều tổ chức những buổi phỏng vấn thử (mock interview) để ứng viên sẵn sàng đối phó với cuộc phỏng vấn thật.
Ngày phỏng vấn thật đã đến với tôi: ngày hôm nay, 25/6/2012. NHMRC mua vé máy bay cho tôi đi phỏng vấn. Không thấy họ nói đến chuyện ăn ở! Mỗi fellow được dành chỉ vỏn vẹn 40 phút để trả lời và thảo luận trong buổi phỏng vấn, nhưng thời gian chuẩn bị thì có khi cả năm trời. Chuẩn bị đề án nghiên cứu, giấy tờ hành chính, và tất cả những bằng chứng để trình bày (khi được hỏi) trước hội đồng phỏng vấn. Phải qua 3 chuyên gia bình duyệt trước khi phỏng vấn. Cũng như hội đồng phỏng vấn cho chức danh giáo sư, hội đồng phỏng vấn của NHMRC cũng gồm có 8 người; trong đó, một người là chủ toạ, một người là phát ngôn viên. Ngoài ra, còn có một người thư kí, phụ trách thu âm tất cả những trao đổi, câu hỏi, câu trả lời (để nếu khi ra toà thì lấy đó làm bằng chứng, nhưng ít khi nào kéo nhau ra toà). Nhiều người không thích buổi phỏng vấn, vì nó quá ư là [nói theo tiếng Anh] intimidatingconfrontational. Hội đồng có thể có những câu hỏi rất “ác ôn”. Chẳng hạn như họ có thể hỏi “tôi thấy thành tích của ông trước đây thì tốt, nhưng mấy năm gần đây thì có vẻ tệ quá, ông có thể giải thích tại sao không,” hay “nếu tôi nói ông không xứng đáng được thưởng cái fellowship này, ông thấy sao?” Đó là loại câu hỏi chọc tức, để đánh giá bản lĩnh của ứng viên. Tôi phải luyện thiền đây. :-)
Tôi không biết năm nay chính xác có bao nhiêu người được phỏng vấn, nhưng con số dao động trong khoảng 200 đến 300. Số ứng viên xin chức danh fellow thì khá nhiều (khoảng 2000) nhưng số được phỏng vấn chỉ dưới 300. Trong số được phỏng vấn, khoảng 50-70 người sẽ được cấp fellowship. Tôi nhẫm tính, mỗi năm NHMRC phải chi ra cả 800 ngàn USD để phỏng vấn các ứng viên, chỉ để chọn chưa đầy 100 người. Tiền đâu mà đổ sông đổ biển thế! Nhưng Úc là nước khá giàu, nên chắc họ không tiếc tiền như chúng ta.
Năm nay, có lẽ do tình hình ngân sách eo hẹp, nên số fellows có lẽ sẽ ít hơn mấy năm trước. Sau khi phỏng vấn, ứng viên được xếp vào một trong 4 hạng: good, very good, excellence, và outstanding. Không có hạng fair, vì hạng này thì không nên đến NHMRC làm gì cho tốn thì giờ.  Mấy năm trước, NHMRC cấp fellowship cho tất cả ứng viên trong nhóm outstanding và 25% ứng viên trong nhóm excellence (còn 75% nhóm excellence và 100% nhóm good thì bị loại). Theo tiêu chí của NHMRC, ứng viên oustanding là những ứng viên “Highest international quality and research performance (top 5% internationally)”. Còn ứng viên excellence là những người “Highly competitive internationally (top 10% internationally)”. Nhưng năm nay, chắc vì không đủ tiền, nên NHMRC thông báo rằng họ chỉ cấp fellowship cho những ứng viên trong nhóm outstanding. Ai cũng phải cố gắng thuyết phục NHMRC rằng mình nằm trong nhóm được cấp fellowship. Thuyết phục bằng chứng cứ, chứ không phải bằng những ngôn từ hoa mĩ, chỉ để nói suông những triết lí cuộc đời (nhại thơ Ma Văn Kháng). :-)
Vì phải xếp hạng, nên chắc chắn sẽ có yếu tố may rủi ở đây. Đã xếp hạng, mà lại do con người xếp hạng, tức phải có yếu tố chủ quan, nên chắc chắn có measurement error :-). Do đó, nếu mình được nằm trong giữa nhóm thì khá an toàn, nhưng nếu nằm giữa lằn ranh outstanding và exellence thì rất... nguy hiểm. Mà, trong thực tế, không ứng viên nào biết mình sẽ nằm trong nhóm nào. Đó là chưa nói đến yếu tố… ghét. Thấy cái tên Nguyen này lạ quá (trong NHMRC chỉ có một Nguyen thôi), thôi cho hắn đi chỗ khác chơi đi, và thế là mình đi đoong. Nói đùa thế thôi, chứ xác suất có chuyện đó thì rất rất thấp. Hôm thứ Sáu gặp anh bạn đồng nghiệp cũng sắp được phỏng vấn, tôi hỏi chuyện, anh ta nói kết quả có khi rất giống với trò chơi lottery. Chắc chỉ biết trao thân cho may rủi mà thôi. Đến cuối năm tôi mới biết kết quả. Thành ra, tôi chỉ biết nói wish me luck. :-)


Số phận của fellowship cũng giống như số phận của một bài báo khoa học như minh hoạ trên đây. Tác giả đang cầm bản thảo phải trải qua các vòng bình duyệt của các chuyên gia, những người được ví như là những đao phủ sẵn sàng "giết chết" bản thảo ở bất cứ ở vòng nào. Chỉ khi nào vượt qua tất cả các đao phủ này đến khi bài báo được "accepted" thì mới được ăn mừng. 

Nguyễn Văn Tuấn
Xem thêm: