Trang

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Android và công nghệ robot giống người của Nhật Bản

GS Hiroshi Ishiguro và phiên bản của mình- Android Geminoid HI-1
Các con robot hiện nay không chỉ đơn thuần đứng im một chỗ và chỉ thực hiện một vài động tác nhất định mà chúng còn có thể hành động giống như con người. Những con robot này đang được các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu và chế tạo bằng hệ điều hành Android.
Mới đây, hàng trăm sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã được chứng kiến những màn trình hết sức độc đáo của các chú robot được mang đến từ Nhật Bản trong khuôn khổ Chương trình “Thuyết trình và trình diễn công nghệ tiên tiến của Nhật Bản" do Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản-Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam và Đại học FPT phối hợp tổ chức.
Robot giống người

Android là cái gì? GS.TS Hiroshi Ishiguro, nhà thiết kế robot nổi tiếng thuộc Đại học Osaka (Nhật Bản), người được vinh danh là một trong 100 thiên tài sống của thế giới mở đầu buổi thuyết trình bằng câu hỏi. “Android chắc chắn không phải là con người mà là con robot nhưng là con robot thông minh giống như con người. Nếu các bạn không muốn lau nhà, các bạn sẽ có một con robot lau nhà; các bạn không muốn rửa bát các bạn cũng sẽ có một con robot để rửa bát cho các bạn và thậm chí nếu các bạn không có người để tâm sự thì con Android sẽ tâm sự với bạn” GS Hiroshi Ishiguro nói.


GS Hiroshi Ishiguro thuyết trình “Con người, Android và truyền thông” trước hàng trăm sinh viên các trường Đại học ở Hà Nội.
Theo GS Hiroshi Ishiguro, con người không thể nhận biết được khuôn mặt hay giọng nói của bản thân mình. Mỗi sáng thức dậy, soi vào tấm gương thấy khuôn mặt của mình nhưng đó chỉ là ảnh mà thôi và khi nói mình không thể biết được giọng nói của mình thế nào. GS Hiroshi Ishiguro đã dành tất cả lòng nhiệt huyết của mình vào việc nghiên cứu và phát triển hệ điều hành Android gần với đời sống mang tên gọi "Geminoids" để có thể tìm hiểu được ý nghĩa là con người và ông đã tạo ra một con Android của chính mình. 
Con Android này có các hành động, hành vi giống hệt như GS Hiroshi Ishiguro, cũng có giác quan và thể hiện được cảm xúc. Nó có tên là Geminoid HI-1 cao 1,75m, hoàn toàn giống giáo sư Hiroshi Ishiguro và được điều khiển từ xa. Làn da khuôn mặt của robot được làm bằng một loại silicone đặc biệt, trông giống hệt da người. Giáo sư Hiroshi Ishiguro nói trước một màn hình trong một trung tâm điều khiển. Các cử động môi của ông sẽ được truyền cho Geminoid HI-1 qua Internet. Sau đó, người máy này sẽ bắt chước giọng nói của ông. Thêm vào đó, vô số những phần tử cảm biến và dây thần kinh vận động lắp đặt bên trong cho phép robot này hành động và phản ứng giống như con người. Geminoid HI-1 có thể chớp mắt, cử động bàn tay, bồn chồn lo lắng và thậm chí thở. Đặc biệt, Geminoid HI-1 còn có thể thay ông lên lớp giảng bài hay nói chuyện với sinh viên trường đại học Osaka trong trường hợp ông phải đi công tác.
Các Android có các giác quan, thể hiện được cảm xúc vui, buồn, nó phản ứng khi người khác chạm vào; nhận biết được mùi vị; nhìn thấy và hành động, nhưng theo GS Hiroshi Ishiguro điều khó nhất là khiến cho robot nghe và nói được theo ngôn ngữ của con người và nếu có nói được thì cũng mới chỉ nói được vài từ, có thể phải hàng trăm năm nữa hoặc lâu hơn thì những con robot này mới có thể tự nghe và nói được. Tuy nhiên, Android đã mang hình dáng con người, chuyển động giống như một cơ thể hoàn chỉnh.
“Các bạn sẽ thấy rất bình thường nếu bạn bắt gặp hai người đang ngồi nói chuyện với nhau tại một quán cà phê nào đó nhưng thực ra một trong hai người đó là con Android” GS Hiroshi Ishiguro khẳng định. “Các bạn thử nhìn sang người bên cạnh và để ý xem họ có phải là Android không?” GS Hiroshi Ishiguro hài hước.
Android có thể thay thế con người?
Bằng việc nghiên cứu và phát triển hệ điều hành Android gần gũi với đời sống con người các con Android của GS Hiroshi Ishiguro đã được đưa lên truyền hình, diễn trong các vở kịch ở các nhà hát, làm thức ăn, tiếp nhận đơn đặt hàng, làm thu ngân, hướng dẫn viên du lịch và phục vụ trong các nhà hàng, doanh nghiệp, làm những công việc mà con người không muốn làm hoặc khó có thể làm được. Trong tương lai, các con Robot điều khiển từ xa sẽ có thể tham gia khám bệnh cho bệnh nhân, thay người bảo vệ trong các tòa nhà, làm người mẫu trình diễn thời gian…và sử dụng các con robot trong trường học khiến cho việc học tập của học sinh sẽ trờ nên thú vị và hấp dẫn hơn.
Nhiều sinh viên Việt Nam bày tỏ lo ngại không biết xã hội sẽ ra sao nếu mỗi người sẽ có một Android của riêng mình và thay thế hoạt động của con người. “Nếu một ngày nào đó, những con Android trở nên thông minh hơn con người và loại con người ra khỏi cuộc sống, hay nếu sử dụng những con robot này để phục vụ chiến tranh thì sẽ thế nào” sinh viên Trần Anh Tuấn, Sinh viên năm 4 trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) lo lắng.
Chia sẻ với những suy nghĩ của sinh viên, GS Hiroshi Ishiguro cho biết, nghiên cứu và phát triển các thế hệ robot thông minh là để hiểu con người và phục vụ con người. Robot sẽ không thể và không bao giờ có thể thay thế được con người vì dù sao robot cũng chỉ là một loại người máy thông minh theo sự chỉ đạo của con người và bất kỳ con robot nào cũng đều có hai nút bật và tắt.
GS Hiroshi Ishiguro cho rằng, xã hội loài người hiện nay rất cần robot. Với trình độ khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, công nghệ robot sẽ tiến triển nhanh chóng. “Sinh viên Việt Nam rất thông minh và ham học học, tôi hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có những con robot thông minh thế hệ mới mà chưa quốc gia nào làm được” GS Hiroshi Ishiguro nói.
GS Hiroshi Ishiguro (Nhật Bản) là giáo sư Bộ môn Hệ thống phát minh, Đại học Osaka. Ông cũng là trưởng nhóm thí nghiệm robot thông minh và truyền thông tại Viện nghiên cứu công nghệ viễn thông tiên tiến. Ông cũng có thời gian công tác tại Đại học California, San Diego (Hoa Kỳ) với tư cách là GS thỉnh giảng. Các nghiên cứu của ông chủ yếu tập trung vào hệ thống phân phối cảm biến, tương tác robot và công nghệ Android. Ông được vinh danh là một trong 100 thiên tài sống của thế giới. 
Bải, ảnh: Minh Cường – baodatviet.vn