Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

CN mới trong quản lý giao thông đô thị

Hà Nội và nhiều đô thị lớn Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề trầm trọng về giao thông. Tình trạng ô nhiễm, ùn tắc, tai nạn giao thông là vấn đề người dân đối mặt hàng ngày nhưng vẫn chưa có lời giải xác đáng bởi quy hoạch giao thông không đồng nhất và thiếu tính bền vững.


Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh Huy Hùng.

Ngày 26/7, tại Hà Nội, Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) phối hợp với Tạp chí Doanh Nhân và Truyền hình FujiTV (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo quốc tế Chiến lược và giải pháp quy hoạch giao thông đô thị bền vững.


Hầu hết các vấn đề liên quan đến quy hoạch giao thông, phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam từ nay đến năm 2030 được các chuyên gia trình bày và thảo luận gồm: các công nghệ về giao thông; hệ thống kiểm soát tín hiệu giao thông tiên tiến, giải pháp cơ sở dữ liệu giảm tắc nghẽn giao thông, mô hình và kinh nghiệm quy hoạch thành phố của một quốc gia trong khu vực.

Thực trạng Việt Nam…

TS. Lý Huy Tuấn, Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) khái quát thực trạng giao thông đô thị: hiện quỹ đất dành cho giao thông tại các đô thị của Việt Nam quá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới (trung bình đất dành cho giao thông chiếm khoảng 16-26% diện tích đất xây dựng đô thị nhưng tại Hà Nội và TP.HCM chỉ từ 7-9%). Khi bùng nổ phương tiện giao thông cá nhân đã dẫn tới hậu quả là ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường…gia tăng.

Thống kê của Viện cho thấy chỉ riêng tại Hà Nội và TP.HCM từ năm 2005 đến 2011 số lượng phương tiện cá nhân đã tăng 205%.
“Kết cấu hạ tầng còn quá kém so với phát triển đô thị, quỹ đất dành cho giao thông thấp, mạng lưới giao thông phân bố không đều, thiếu đường kết nối giữa các trục chính, vận tải hành khách chưa đáp ứng được nhu cầu và tỷ lệ nghịch với sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân” - ông Tuấn cho biết.
Để phát triển giao thông đô thị bền vững, ông Tuấn cho rằng, giao thông đô thị bền vững thì phải mở và động nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ, liên kết các phương thức vận tải và phát triển vận tải đa phương thức.
Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đưa ra nhiều giải pháp toàn diện, thiết thực cho quy hoạch giao thông đô thị của Việt Nam trong 20 năm tới. Làm thế nào để Việt Nam tiết kiệm tối đa nguồn lực trong quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho giao thông đô thị.
* Học gì từ kinh nghiệm Nhật Bản?
Các kinh nghiệm của Nhật Bản cùng các công nghệ mới trong quản lý giao thông đô thị cho phát triển bền vững như Công nghệ cảm biến số để kiểm soát giao thông, Công nghệ đo lường vệ tinh, Giải pháp chống ùn tắc giao thông, Công nghệ tín hiệu giao thông (Kyosan) đã nhận được nhiều sự quan tâm.
Ví dụ công nghệ cảm biến số cho phép thu thập dữ liệu giao thông qua các camera quan sát, hệ thống tín hiệu điều khiển thông minh và hệ thống cảm biến bao gồm các thiết bị cảm biến, cảm biến báo, thiết bị truyền nhận thông tin đặt tại các điểm có lưu lượng xe qua lại cao hoặc các tuyến đường thường xuyên bị kẹt xe. Khi có tình trạng tắc nghẽn, các thiết bị cảm biến sẽ tự động gửi thông tin về trung tâm điều hành. Các bảng LED điện tử được lắp đặt tại các địa điểm nói trên sẽ hiển thị thông báo từ trung tâm điều hành về tình trạng giao thông, đồng thời hướng dẫn người dân lưu thông kịp thời tránh di chuyển vào các điểm đang ùn tắc.
Từ những giải pháp và kinh nghiệm quản lý, quy hoạch giao thông được trình bày tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị trong vấn đề phát triển giao thông đô thị ở Việt Nam trong thời gian tới như: cần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao phù hợp với cấu trúc đô thị phát triển và cấu trúc quy hoạch xây dựng vùng; thiết lập hệ thống giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải công cộng là chính, từng bước giải quyết vấn đề ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, tuyến xe buýt nhanh kết hợp với phát triển đô thị; phát triển các đầu mối giao thông trung chuyển liên kết các phương thức vận tải; hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân, khuyến khích sử dụng loại phương tiện không dùng năng lượng hóa thạch, thân thiện môi trường…
Đại diện Công ty Fujitsui cũng đưa ra một giải pháp chống ùn tắc giao thông bằng cách đưa ra mô hình xã hội thông minh lấy con người làm trung tâm. Các giải pháp về cơ sở hạ tầng được xây dựng xung quanh con người.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, quy hoạch giao thông cần phải đi trước một bước. Muốn vậy, các đô thị cần thiết xây dựng chiến lược trong đó xác định rõ mục tiêu, quan điểm nội dung của chiến lược và chính sách phát triển giao thông phải gắn liền với chiến lược phát triển đô thị, kinh tế xã hội của đất nước.
M.Cường (thethaovanhoa.vn)