(baodatviet) - Mới đây, trang Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đã đăng tải bài viết và loạt ảnh thú vị về đặc sản thịt chuột nổi tiếng của làng cổ Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Việt Nam.
Nức tiếng khắp vùng bởi món đặc sản thịt chuột, vùng đất cổ Canh Nậu, một miền quê ngoại thành Hà Nội tự bao đời đã trở thành đề tài khai thác của báo chí trong nước. Nghề săn chuột, thứ nghề vừa bảo vệ mùa màng, vừa là nguồn kiếm cơm chính của nhiều hộ gia đình tại Canh Nậu khiến ngôi làng mang cái tên dân giã: “làng săn chuột”. Nếu trở về vùng đất cổ xưa này, quây quần bên mâm cơm đạm bạc của người dân nơi đây, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên bởi không đâu, thịt chuột lại trở thành món nhâm nhi khoái khẩu và xuất hiện thường xuyên trong các bữa nhậu.
Mới đây, trang Tân Hoa Xã, Nhân Dân hay Tiexue của Trung Quốc cũng dành lời ngợi khen cho thú ẩm thực độc đáo này của người Việt. Tân Hoa Xã cho biết, tại làng Canh Nậu, mỗi kg thịt chuột được bán với giá 80.000 đồng, ngang ngửa, thậm chí đắt đỏ hơn thịt lợn, dê hay bò. Vào mỗi vụ mùa, người dân trong làng túa ra đồng lùng bắt chuột. Trung bình mỗi ngày, làng Canh Nậu tiêu thụ hơn 100 kg loại thịt đậm chất “hương đồng gió nội” này.
Tân Hoa Xã bình luận, trước đây, người Việt Nam bắt chuột để bảo vệ mùa màng. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, loài vật này trở thành món tẩm bổ ngon miệng và độc đáo. “Người Việt rất biết cách thưởng thức thịt chuột với đủ món chế biến, từ chuột nấu canh chua, thịt chuột nướng, cà ri thịt chuột, thịt chuột rán, thịt xào sả ớt…Món nào cũng có hương vị riêng, mang nét đặc trưng của ẩm thực Việt Nam ”, trang này khen ngợi.
Cùng khám phá món đặc sản độc đáo này trên Tân Hoa Xã:
Thịt chuột được bày bán tại chợ Canh Nậu.
Thịt chuột sau khi đã thui qua lửa.
Những thợ săn chuột chuyên nghiệp trong làng sẵn sàng dụng cụ đi săn.
Cát Miên (theo Tân Hoa Xã)
Mời đọc tiếp:
(dantri) - Quãng 2 giờ chiều, từ các ngõ xóm của Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) đã thấy các bà các chị mang chuột ra sơ chế.
Vừa tóm từng con chuột trong lồng sắt ra, vật xuống đất cho chết để vợ nhúng vào nước sôi làm lông, anh Hòa vừa tiếp chuyện chúng tôi: “Hôm nay, em lùng khắp 3 xã Thạch Hòa, Đại Đồng, Hương Ngải, mới được chừng này. Dạo mới gặt, có ngày bắt được gấp đôi”.
Lồng chuột của anh Hòa ước chừng 4 kg, con to nhất cỡ 3 lạng, con nhỏ nhất không quá 1 lạng. Làm sạch lông, còn khoảng trên 3 kg, nếu bán hết thì được trên 300 ngàn đồng (100.000 đồng/kg), một thu nhập không tồi cho một ngày công lao động. Thu nhập thế, nên cứ chớm mùa gặt là đội quân săn chuột của Canh Nậu lên đường.
Dụng cụ săn chuột rất đơn giản: Một thuổng sắt, một tay lưới, một xô múc nước, một lồng sắt. Thuổng để đào, lưới để đón lõng từ ngách phụ của hang chuột. Giống này cực khôn, đào hang, ngoài lỗ chính, chúng đào thêm ba bốn ngách phụ để thoát thân khi gặp nguy.
Muốn bắt được chúng, sau khi phát hiện được hang, người săn chuột bao giờ cũng phải tìm các ngách phụ, bịt hết lại, chỉ để một ngách phụ, căng lưới ở đó rồi mới đào hang chính. Con nào vọt ra từ hang chính thì người đào tóm, chạy ra bằng ngách phụ là sa lưới. Hang chuột nào sâu quá thì lấy xô múc nước đổ vào hay vơ rơm rác cạnh đó đốt để hun cho chúng ngoi ra.
“Thợ săn chuột” Canh Nậu đi xa ba bốn chục cây số để lùng chuột là chuyện bình thường. Những tay săn lão luyện có ngày bắt được cả yến. Sáng đi, chiều về “đổ” chuột cho các quán nhậu, đút túi cả triệu bạc. Càng ngày càng có nhiều quán nhậu thịt chuột nên không bao giờ ế. Giải thích vì sao sau mùa gặt là chuột ít đi, anh Hòa bảo: “Lúa uốn câu là chuột từ làng, từ các cống rãnh túa ra đồng, vì lúc này ở đồng sẵn thức ăn. Gặt xong, thức ăn khan, chúng lại kéo về làng, về cống rãnh. Vậy nên bảo con này chuột đồng, con kia chuột nhà hay chuột cống chuột rãnh là láo toét hết. Tất cả chỉ là một thôi”.
4 giờ chiều chợ chuột bắt đầu nhóm dọc theo hai bên đường làng. Chuột nhiều thật, tôi đếm dọc chợ được hơn 20 mẹt chuột đã làm sẵn, mẹt chưa thui, mẹt đã thui vàng; mẹt nhiều đến năm, sáu cân; mẹt ít cũng vài ba cân; trong khi cả chợ chỉ có vài quầy thịt lợn, thịt gà, ngoài ra còn mấy lồng chuột sống.
Người bán chuột sống để sẵn cái chậu, vài phích nước sôi bên cạnh, để khách mua xong, có nhu cầu là người bán làm lông, nổi lửa thui vàng và mổ luôn. Anh Thành, một người bán chuột sống, bảo: Do khách sợ chuột ở những mẹt kia không tươi nên phải bán chuột sống. Anh Thành cũng cho biết nhà anh không bao giờ ế hàng, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
Quả là người mua chuột khá đông. Chỉ một lát đã có mấy chị bán hết hàng, xách mẹt không ra về. Chị Hương, một người bán chuột cho biết, trước đây thường chỉ bà con trong xã bán chuột mua chuột với nhau. Dân Canh Nậu có “truyền thống” ăn thịt chuột từ lâu. Nhưng mấy năm gần đây, người xã khác cũng ăn, cũng mua.
Sáu giờ, chợ chuột đã vãn. Hơn sáu giờ một chút, cả chợ không một bóng người.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
3CANG dẫn lại
21/01/2012